Saturday, November 29, 2008

Có nhiều lúc mình thấy lạ vì cái trí nhớ của mình, tại sao có những thứ mình lại nhớ lâu đến thế. Đến nỗi đôi khi mình nghi ngờ không biết có phải là trí nhớ hay là có cả trí tưởng tượng của mình trong đó nữa. Mình còn nhớ rất rõ những khoảnh khắc, những cảm giác từ hồi còn đi học mẫu giáo. Mà có khi chẳng phải là những sự kiện gì nổi bật cả chỉ là những khoảnh khắc hay những cảm giác thật bình thường. Có điều bây giờ khi nhớ lại, mình ngạc nhiên về những suy nghĩ và cảm giác của mình lúc đó, và thường là mình cảm thấy thật nhẹ nhàng khi nhớ lại tất cả dù là chuyện vui hay buồn. Có lúc cứ muốn viết ra vì sợ một ngày nào đó những nơ ron thần kinh của mình sẽ chết dần chết mòn và rồi không thể nào nhớ nữa, nhưng lại chẳng biết bắt đầu từ đâu.

Có lúc mình nhớ lại cái mùi cơm khê trong nhà trẻ, và nhớ những buổi trưa nào đó mình đứng một mình ôm bát cơm vì ăn sau cả lớp, mình cứ ngậm cơm thôi không chịu nuốt, thế là các cô phạt bắt đứng một mình bên cây cột đầu hè. Những buổi trưa nằm chờ hy vọng anh mình tới đón về sớm, nhắm mắt và khóc thầm tủi thân khi anh mình không đến. Nhớ những buổi sáng mẹ chở đi học cứ khóc nhè đòi mua bánh rán. Nhớ sân lớp mình có hoa bìm bìm to lắm, lá hình tim và những bông hoa trắng thật to mà mình và các bạn hay hái chơi khi tập thể dục. Hồi đấy bọn mình hay mong chờ những chiếc máy bay bay ngang qua. Giờ phút này đây khi mình nhớ lại, thì bao nhiêu hình ảnh lại hiện ra, cứ cái này liên tưởng đến cái kia. Có điều mình không nhớ nhiều về bạn bè, chỉ nhớ vài đứa như cái Mai, cái Thảo, cái Linh, cái Hòa trọc vì mấy đứa này ở gần nhà, sau này lại học chung.

Cái ngõ trường mẫu giáo mình đấy, sau này lúc lên cấp 2, mỗi lần đi học qua mình lại cứ ngó vào không biết có phải nó hay không, không lần nào mình vào đấy cả, chỉ ngó ngó nghiêng nghiêng và tìm lại chút dấu ấn quen thuộc nào mà thôi.

Năm ấy bọn bạn ở gần nhà đều vào lớp một . Mình chơi với chị Hoài Nam hơn mình mấy tuổi cứ đi theo chị ý ra trường cấp 1. Mình đứng ở ngoài cửa lớp một, thấy cái Hoa đang học trong lớp về nhà bảo mẹ, con ứ đi học mẫu giáo nữa đâu, con đi học với cái Hoa. Không biết thế nào mẹ lại xin cô Mai cho mình vào học. Nhà cô Mai ở trong làng Mai Động, làm đậu phụ, bây giờ trông cô thế nào mình chịu không nhớ nổi. Cô Mai cho mình vào ngồi trong lớp, nhưng mình vẫn chưa chịu học, ngày nào cũng xách cái túi lưới đựng bỏng ngô, nay quên vở mai quên bút nhưng vẫn đi lớp đều đặn lắm...

Monday, November 17, 2008

Entry for November 17, 2008

Bâng Quơ
Phú Quang

Đôi khi ta nhớ một thoáng heo may
Đôi khi ta nhớ một sớm sương bay
Con đường mùa đông hàng cây lá đổ
Đôi khi ta thèm lang thang như gió
Đôi chân vô định về miền hư vô
Đôi khi em bỗng về giữa cơn mơ
Đôi khi ta hát lời hát nghêu ngao
Thương một vì sao giờ xa quá rồi
Đôi khi ta thèm nghe lời em nói
Dẫu biết bây giờ chỉ là xa xôi

Đôi khi mưa về ta thương em rừng xưa rũ lá
Đôi khi mưa về ta thương ta ngu ngơ bài ca
Đôi khi đêm dài ta thương con đường xưa xa vắng
Riêng em đi về đôi chân bơ vơ trong chiều phai
Đôi khi cuộc tình ngỡ đã nhạt nhòa
Bỗng chợt về với xót xa

Nghe Phú Quang
Nghe Lê Dung

Monday, November 10, 2008

Entry for November 10, 2008

Nhớ ngày xưa, hồi mình mới vào Sài Gòn, lúc ấy là vào mùa mưa. Mẹ bảo, khi bắt đầu mùa mưa thì hay mưa vào buổi sáng, rồi chuyển sang trưa, rồi chiều, đến khi lại mưa vào buổi sáng thì đã gần hết mùa mưa. Chỉ là nhận xét của mẹ thôi, vì mẹ cũng có phải người Sài gòn đâu, nhưng mẹ mình hay thế thật, mà mình thì cũng thích nghe những điều kiểu như thế! Mình theo dõi vài mùa thì có cảm giác hình như cũng đúng đúng. Ở mãi đất này lại chả còn thấy đúng nữa, kiểu như là:

"Đứng một ngày đất lạ thành quen

Đứng một đời em quen thành lạ"

Mọi thứ đều thay đổi cả. Ngày xưa mưa ở Sài gòn thường mưa rất nhanh, mưa thôi rồi trời lại trong trẻo lạ thường. Bây giờ thì khác cũng có những ngày mưa dầm dề lê thê. Bọn bạn mình bảo, càng ngày càng nhiều người Bắc vào đây thành ra thời tiết cũng bị lây thời tiết ngoài đó rùi. Rồi những mùa Noel lạnh buốt, cả những bão tố cũng qua đây...

Bỗng dưng nhớ lại những hình ảnh Sài gòn lần đầu tiên gặp gỡ trong cái nhìn của một cô bé mười hai tuổi, cái gì cũng thấy lạ: những đường phố lạ, chiếc xích lô nhỏ và cao ngất, tô phở có giá sống với những cọng phở vuông, tô bún bò có nước màu và cọng bún bự thiệt bự. Lúc đấy mình thấy Sài gòn có mùi rất lạ, thỉnh thoảng bây giờ mình cũng gặp lại cái mùi ấy, giống như mùi đường đỏ hay đường thốt nốt nhà ai đun bị hơi khét khét, mà hồi đấy sao gặp nhiều và bị ấn tượng thế. Nhớ lần đầu tiên đi chợ là chợ Tân Định, lần ấy mình gặp một đám tang của người công giáo, mình cũng thấy lạ, khác hẳn với những đám tang ở ngoài Bắc. Trên phố Sài gòn lúc đó có rất nhiều xe bán nước sâm, bông cúc, nước đắng, sinh tố... xe nào cũng có vẽ hình một cô gái có miếng sầu riêng bên cạnh, tất cả đều giống nhau. Các xe bánh mì cũng vậy đều vẽ hình giống nhau hết... Chiều nay, trong cái nhớ Sài gòn xưa, mình chợt nhận ra những hình ảnh ngày xưa dường như không còn nữa. Ngày xưa mỗi lần đi đâu về đến Sài gòn bằng tàu hỏa, từ ga chạy ra mình lại có cái cảm giác gặp lại Sài gòn lần đầu tiên khi đi ngang đường Nguyễn Thông rồi Điện Biên Phủ xuôi về Pasteur rồi về Hàng Xanh, nhất là vào buổi sáng sớm, khi đường phố Sài gòn còn vắng bóng người. Bây giờ thì đi máy bay, cảm giác đó hình như cũng biến mất.

Cái dòng nỗi nhớ, nhớ thứ này bỗng lan man sang bao nhiêu thứ khác...

Qua phố

Sàigòn còn lá me không

Để ta chậm lại những vòng bánh xe


Gỡ từng mắt lá tròn xoe

Có em mắt biếc tay che miệng cười


Chuyến phà chuyển bến sông vui

Lục bình vẫn dập dình trôi theo dòng


Sàigòn ngắn ngủi mùa đông

Cuối năm se lạnh má hồng phương Nam


Nỗi buồn chưa tụ đã tan

Áo em lụa mỏng bàng hoàng tháng giêng


Rộn ràng thành phố không đêm

Giữ dùm ô cửa sáng đèn riêng ta


Sàigòn vẫn nắng và hoa

Một người qua phố đã già hơn xưa ...

(trích từ tập hát thơ - Thanh Nguyên)

Saturday, November 8, 2008

Blog

Rồi tôi không nhớ nổi tôi đã gặp blog của người này hay người khác trong dịp nào nữa. Tôi có rất ít bạn trên thế giới ảo này, không phải vì không tin tưởng, chỉ đơn giản là tôi thấy khó. Có lẽ tôi bằng lòng với việc làm một outsider lặng lẽ và hy vọng rằng mình không vô tình. Tôi chưa từng nghĩ người ta có thể tâm sự nhiều điều như thế trong thế giới ảo này, thì ra con người có một nhu cầu được chia sẻ hay thể hiện mình lớn hơn tôi tưởng rất nhiều. Có lẽ điều đó làm cho tôi cảm thấy mình cũng muốn viết một điều gì đó cho mình và có thể biết đâu là một outsider nào đó cũng như tôi vô tình đọc được.

Cuộc sống của những người khác, đó là một thế giới khác với thế giới mà tôi đang sống dù đôi khi rất giống. Có lẽ gặp lại mình ở một đoạn đời nào đó đã qua hay có khi là sắp tới, đôi khi là những bài học đầy ý nghĩa. Và tôi cảm thấy cuộc sống đang trôi chảy nhờ vào dòng thời gian trong nhật ký của họ, có khi chỉ là một đoạn ngắn ngủi nào đó rồi ngưng bặt. Đôi lúc tôi muốn viết cho họ một điều gì đó, muốn biết cuộc sống của họ đã tiếp diễn ra sao, như thể họ là những người bạn gắn bó đã bao lâu. Thế rồi thường là tôi im lặng, tôi không có đủ can đảm tạo ra một sự đường đột nào đó. Tôi nghĩ mình sẽ tạo một mối liên hệ nào đó nếu có lẽ nó thực sự cần thiết cho họ hay cho tôi.

Có lần tôi gặp một blog ghi ở mục about me: dead, thấy tự nhiên bụng thót lại. Sau đó tôi không tìm được một thông tin nào xung quanh những người bạn của người này cho thấy rằng điều đó đã xảy ra. Và nghĩ vẩn vơ chuyện đó rồi sẽ xảy ra, dù ảo hay thật, những blog, hay những mảnh cuộc đời sẽ vẫn cứ nằm đâu đó trên thế giới này, sao thấy chúng bơ vơ quá.

Và thấy mình, biết nói sao nhỉ, ta biết làm gì, ta cũng chỉ là một kẻ vô tình, thế thôi!


Wednesday, November 5, 2008

Entry for November 05, 2008

Hồi chiều này đi cùng đứa bạn lên Phú Nhuận. Đi từ Hàng Xanh lên tới Phú Nhuận hơn một tiếng đồng hồ, cứ chưa kịp hớn hở mừng thoát khỏi đám kẹt xe này thì đã nhận ra mình đang chui vào một ổ bùng nhùng khác. Vừa đi vừa nói chuyện kẹt xe cho đỡ tức. Nó kể chuyện từ hồi dựng mấy cái lô cốt trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, chắc phải cả năm rồi nó không ghé được tiệm sửa xe quen chỉ vì kẹt xe. Hồi xưa tiệm có 4 thợ, ông chủ chỉ đứng điều hành, hôm rồi ghé lại thấy chỉ còn ông chủ lọ mọ một mình, hỏi thăm ra mới biết cả năm nay ế vì kẹt xe đành cho thợ nghỉ hết, làm một mình mà còn thiếu việc nhiều hôm đóng cửa nghỉ sớm cho đỡ ồn ào. Nó bảo, mày thấy chưa, người ta giàu nghèo có số, tự nhiên đang ăn nên làm ra, đùng một cái có lô cốt trước nhà thế là xong phim, lấy gì mà sống.
Mình lại nghĩ đến chuyện thân phận của con người... Chẳng có bác nào ở trên kia mảy may nghĩ về những thân phận nhỏ bé không ai biết tới, như hàng bao chính sách được sinh ra có thể làm lợi cho một số đông nào đó lại đem đến bần cùng cho kẻ khác, ví dụ như chuyện phân lũ để bảo vệ Hà Nội chẳng hạn, xét về một mặt nào đó việc phân lũ không phải là không có lý nhưng một mặt khác vẫn cứ có điều gì chua chát quá. Cho dù dân vùng bị phân lũ sẽ được di dân, được trợ cấp để khắc phục hậu quả để đảm bảo đời sống... nhưng chắc chắn mọi thứ không bao giờ hoàn hảo và người ta đành phải chấp nhận số phận của mình
Xã hội cứ luôn tồn tại những bất công và kẻ yếu đuối bị đào thải như một quy luật tất yếu. Luật pháp chỉ dành cho kẻ mạnh? Người ta cứ đấu tranh, đấu tranh để rồi lại nảy sinh những bất công khác và rồi lại đấu tranh, cái vòng xoáy ốc chẳng bao giờ ngừng lại. Vì con người quá giống nhau và cũng quá khác nhau chăng?

Sunday, November 2, 2008

Entry for November 02, 2008


Trên Blog Osin viết : “Nếu lệnh đóng cửa trường học và một số công sở được đưa ra sáng 31-10, bé Nguyễn Vân Anh và 2 học sinh Hà Nội khác đã không phải chết tức tưởi trên đường đi học, hàng trăm nghìn người khác đã không phải ngập mình trong lũ và đêm ấy nhiều người dân Hà Nội đã không phải ở trong tình thế không thể về đến nhà mình.”

Không hiểu ai được quyền công bố những lệnh này, mình thử tìm hiểu về quy trình phòng chống lụt bão của VN thì thấy sơ bộ như thế này:

Giới thiệu hệ thống phòng chống lụt bão Việt Nam, một số nét sơ lược về hệ thống

v\:* {behavior:url(#default#VML);} o\:* {behavior:url(#default#VML);} w\:* {behavior:url(#default#VML);} .shape {behavior:url(#default#VML);} Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 st1\:*{behavior:url(#ieooui) } /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt; mso-para-margin:0in; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman"; mso-ansi-language:#0400; mso-fareast-language:#0400; mso-bidi-language:#0400;}

Việt Nam có một thể chế, một cơ cấu về chính trị và xã hội trong vấn đề giảm nhẹ thủy tai. Những cơ cấu này đã được đúc kết qua nhiều thế kỷ khi người dân Việt Nam phát triển tiềm năng nông nghiệp trên vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn.1

Kể từ trận lũ lịch sử xảy ra vào năm 1971 ở đồng bằng châu thổ sông Hồng, công việc quản lý các cơ sở hạ tầng phục vụ phòng chống thủy tai trở thành một nhiệm vụ liên tục dưới sự chỉ đạo của Cục Quản Lý Đê điều và Phòng chống Lụt Bão (DDMFC) thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông Thôn.

Cục Quản Lý Đê điều và Phòng chống Lụt Bão (DDMFC) cùng phối hợp với Ban Chỉ đạo Phòng chống Lụt Bão Trung ương trách chịu nhiệm ứng phó trong trường hợp khẩn cấp với các sự kiện thiên tai, và Uỷ Ban Quốc Gia về Thập kỷ Quốc tế Giảm nhẹ Thiên tai chịu trách nhiệm chuẩn bị về mặt cộng đồng và liên lạc với các tổ chức Quốc tế.

Theo Pháp lệnh phòng chống lụt bão :

Điều 20

Thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan dự báo lụt, bão; cơ quan ra quyết định, báo động lụt, bão và cơ quan ra quyết định về các biện pháp khẩn cấp chống lụt, bão được quy định như sau:

1. Tổng cục Khí tượng thuỷ văn dự báo mưa, lũ, báo, áp thấp nhiệt đới và nước biển dâng trong phạm vi cả nước;

2. Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương quyết định cảnh báo và biện pháp đối phó với lụt, bão trong phạm vi cả nước;

3. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp với Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết cảnh báo và biện pháp đối phó với lụt, bão trong phạm vi quản lý của mình.

4. Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cảnh báo, báo động và và biện pháo đối phó với lụt, bão trong địa phương; đối với vùng sâu, vùng xa, trong trường hợp cần thiết Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện có thể ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão tại địa phương và phải báo cáo ngay với Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão cấp trên.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão xã, phường, thị trấn và các ngành ở địa phương tổ chức thực hiện cảnh báo, báo động và quyết định biện pháp đối phó với lụt, bão trong phạm vi quản lý của mình;

5. Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp đối phó với lụt, bão trong tình huống khẩn cấp.

Khi hết lụt, bão cơ quan nào ra quyết định cảnh báo, báo động lụt, bão, ra quyết định về các biện pháp đối phó với lụt, bão thì cơ quan ấy có trách nhiệm thông báo bãi bỏ quyết định của mình.

Ở Hà nội ban chỉ huy phòng chống lụt bão là Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão HN. Nhưng xem ra thì ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Hà Nội không thấy thể hiện vai trò gì của mình trong vụ mưa lớn ở Hà Nội vừa qua, theo tin tức của báo chí thì chỉ toàn thấy sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo thành phố. Đi tìm thông tin về chi cục đê điều và phòng chống lụt bão thì thấy tin tức chả hay ho gì và một cái web đang xây dựng chưa xong

“Thu quỹ "đen" của Chi cục Đê điều-Phòng chống lụt bão

(VietNamNet) - UBND TP Hà Nội vừa quyết định tịch thu hơn 670 triệu đồng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đã lập quỹ trái phép, sung công quỹ.

Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội là một đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Giữa năm 2006, Thanh tra TP Hà Nội đã có đợt thanh, kiểm tra tại đây và ra kết luận 1189/KL-TTTP-(P1) ngày 18/8/2006.

Qua đợt thanh tra, một quỹ trái phép với 670.987.000 đồng do Chi cục này tự lập đã bị phát hiện, sau đó được giữ trong tài khoản tạm giữ của Công an TP Hà Nội từ đó đến nay.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Quý Đôn vừa ký ban hành Quyết định 2789/QĐ-UBND chính thức tịch thu số tiền lập quỹ trái phép này, sung công quỹ Nhà nước. Công an TP Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước TP và các ngành liên quan tổ chức, chuyển giao số tiền trên cho Kho bạc Nhà nước cùng các giấy tờ, tài liệu liên quan theo đúng quy định về bàn giao, tiếp nhận tài sản Nhà nước.

Được biết, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão HN đồng thời là Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP, có tư cách pháp nhân được mở tài khoản và sử dụng con dấu riêng. Chi cục này chịu trách nhiệm trước UBND TP và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về quản lý nhà nước toàn bộ hệ thống đê điều cùng công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn Hà Nội, đồng thời chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Phòng chống lụt bão và quản lý đê điều (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương).”

Không hiểu ban phòng chống lụt bão này có người thường trực 24/24 và sẵn sàng cập nhật thông tin dự báo của khí tượng thủy văn để lên kế hoạch đề phòng cũng như kịp thời ứng phó với thời tiết không nhỉ? Hay họ còn cho rằng mưa lớn không cần phải đề phòng. Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ Tài Nguyên Môi Trường, mưa lớn là một hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm và lượng mưa từ 51-100mm đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến con người. Huống chi hệ thống thoát nước của VN vốn đã có thâm niên “chuối cả nải” rồi.

Chán có hệ thống!