Monday, April 28, 2008

Entry for April 29, 2008

Thư gửi Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế

Lê Minh Phiếu

Một người rước đuốc Olympic 2008

Nghiên cứu sinh tại Trung tâm Tư liệu và Nghiên cứu Châu Âu và Quốc tế

Trường Cao học Luật, Đại học Montesquieu – Bordeaux IV

Avenue Léon Duguit, 33600 Pessac, Cộng hòa Pháp

Bordeaux, ngày 7 tháng 4 năm 2008

Ủy ban Olympic Quốc tế

Château de Vidy

1007 Lausanne

Thụy Sĩ

Attn : Bá tước Jacques Rogge

Chủ tịch

Về việc: Đề nghị phi chính trị hóa Olympic Bắc Kinh 2008

Kính thưa Ngài Chủ tịch,

Trước hết, tôi rất vui mừng và vinh dự thông báo với Ngài rằng, tôi sẽ là một trong số 60 người Việt Nam sẽ rước ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 đi qua Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29 tháng 4 năm 2008 sắp tới.

Thưa Ngài, khi được biết tôi đã được chọn để cầm ngọn đuốc Olympic – biểu trưng cho tinh thần thượng võ, cho hòa bình và đoàn kết giữa các dân tộc trên toàn thế giới - lần đầu tiên qua Việt Nam, tôi đã rất vui mừng và tự hào. Thế nhưng, sau khi xem kỹ các bản đồ rước đuốc trên trang web chính thức của Olympic 2008, tôi nhận thấy rằng ngọn đuốc mà tôi sẽ rước không còn là ngọn đuốc của một Olympic trong sáng, mà đã bị chính trị hóa bởi Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008.

Trong quá trình phát triển của lịch sử, Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Khi đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền bởi vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, vì quần đảo này nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17 nên thuộc miền Nam Việt Nam và sau đó thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam Cộng hòa. Sau khi thống nhất đất nước vào năm 1975, theo nguyên tắc kế thừa của các Nhà nước trong luật quốc tế, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có toàn chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.

Thế nhưng, vào năm 1974, Trung Quốc đã mang quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Toàn bộ lực lượng quân đội của Việt Nam Cộng hòa canh giữ quần đảo này đã bị quân đội Trung Quốc giết sạch. Kể từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam Cộng hòa và sau đó là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn yêu cầu Trung Quốc trao trả quần đảo Hoàng Sa lại cho Việt Nam.

Thế nhưng, Trung Quốc chẳng những ngang nhiên không trao trả lại Hoàng Sa cho Việt Nam, mà càng ngày càng có những hành động thách thức chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này. Trung Quốc đã xây dựng sân bay trên quần đảo Hoàng Sa, mở tuyến du lịch đến quần đảo và mới đây thành lập thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo này. Trung Quốc càng ngày càng có nhiều biện pháp để chứng tỏ rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo mà họ đã xâm lược của Việt Nam kể từ năm 1974.

Và ngay cả trong lần đăng cai tổ chức Olympic và Paralympic vào năm 2008 này, Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để chính trị hóa Olympic và Paralympic, lợi dụng việc đăng cai Olympic và Paralympic để, thông qua trang web chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008, đánh lừa với thế giới rằng họ có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa – một quần đảo mà Trung Quốc xâm chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Tôi xin chứng minh với Ngài bằng những dẫn chứng sau:

1. Trên bản đồ rước đuốc Olympic (Phụ lục 1 kèm theo thư này) và bản đồ rước đuốc Paralympic (Phụ lục 2 kèm theo thư này), quần đảo Hoàng Sa được cố tình thể hiện như một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Nhìn vào bản đồ có thể thấy tất cả các tỉnh, khu vực và thành phố của Trung Quốc được thể hiện bằng sắc màu chuyển dần từ tối sang sáng theo chiều từ trên xuống dưới. Các hòn đảo trong quần đảo Hoàng Sa (được cố tình phóng to lên trong hình chữ nhật) cũng được thể hiện với kỹ thuật màu sắc như vậy. Thế nhưng các lãnh thổ khác không thuộc chủ quyền của Trung Quốc không dùng kỹ thuật thể hiện màu sắc tương tự như thế.

Trên thế giới có hàng nghìn hòn đảo và chúng chỉ được thể hiện bởi những dấu chấm nhỏ trên những bản đồ có tỷ lệ xích như vậy. Trên hai bản đồ này có nhiều hòn đảo thậm chí không được thể hiện bằng dấu chấm. Vì vậy, không có một lý do phi chính trị nào có thể được tìm thấy để giải thích tại sao chỉ có duy nhất quần đảo Hoàng Sa được vẽ với tỷ lệ xích lớn hơn tỷ lệ xích của bản đồ và được phóng to trong hình chữ nhật như vậy.

2. Trong bản đồ vẽ cụ thể hành trình cụ thể của ngọn đuốc Olympic trong lãnh thổ Trung Quốc (Phụ lục 3 đính kèm lá thư này), quần đảo Hoàng Sa cũng được phóng lớn lên một cách không thể biện minh được và chỉ có duy nhất các hòn đảo thuộc quần đảo này trong số tất cả các đảo tồn tại trên toàn thế giới được phóng lớn lên như vậy. Quần đảo Hoàng Sa được vẽ với tỉ lệ xích lớn hơn tỷ lệ xích của tất cả các nơi khác và được để trong khung hình chữ nhật. Khung hình chữ nhật này, khi được nhấp chuột vào lại được phóng lớn hơn nữa, chứa đựng bản đồ của quần đảo Hoàng Sa và dòng chữ « South China Sea Islands ».

Nếu như Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 không muốn chính trị hóa Olympic và Paralympic, không muốn lợi dụng trang web chính thức của Olympic Bắc Kinh 2008 để ám thị với thế giới rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, thì tại sao bản đồ rước đuốc Olympic lại có những thể hiện như vừa nêu trên ?

Theo quy tắc thứ 51 có tựa đề « Quảng cáo, Thể hiện, Tuyên truyền » của Hiến chương Olympic có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 7 năm 2007 (tại địa chỉ http://multimedia.olympic.org/pdf/fr_report_122.pdf), « Không có bất kỳ hình thức thể hiện hay tuyên truyền về chính trị, tôn giáo hay chủng tộc nào được phép trong một nơi, một vị trí (site) hay địa điểm khác của Olympic »

Trong một phát biểu của Ngài trên đài phát thanh France 24, Ngài cũng đã viện dẫn quy tắc trên và cho rằng, bất cứ vận động viên nào lợi dụng Olympic Bắc Kinh để làm diễn đàn chính trị sẽ bị trừng phạt.

Trong cuộc họp báo với Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett vào ngày 18/5/2007, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng chỉ trích việc chính trị hóa Olympic Bắc Kinh 2008.

Như vậy, việc phi chính trị hóa Olympic chẳng những được Hiến chương Olympic ghi nhận, mà cũng được viện dẫn bởi Ngài - người đứng đầu của Ủy ban Olympic Quốc tế, và Ngoại trưởng Trung Quốc.

Thế nhưng, nghĩa vụ phi chính trị hóa Olympic không thể loại trừ Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008. Vì vậy, việc Ban Tổ chức Olympic dùng website của mình để chính trị hóa, để tuyên truyền cho những mục đích chính trị như đã phân tích trên đây là trái với tinh thần thể thao Olympic, trái với tinh thần mà Ngài và Ngoại trưởng Trung Quốc đã phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là đã vi phạm những quy định của Hiến chương Olympic.

Theo quy định tại quy tắc 2 của Hiến chương Olympic (Nhiệm vụ và vai trò của Ủy ban Olympic Quốc tế) và quy tắc 36. 3 (thành phần của Cơ quan Điều hành của Ban Tổ chức Olympic), Ủy ban Olympic Quốc tế mà người đứng đầu là Ngài phải chịu một phần trách nhiệm liên quan đến việc chính trị hóa trên.

Vì thế, bằng thư này, tôi đề nghị Ngài phải có những biện pháp can thiệp nhằm chấm dứt sự chính trị hóa nói trên, bằng việc đề nghị Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008 thực hiện những biện pháp cụ thể bao gồm, nhưng không giới hạn, biện pháp sau :

- Xóa các nét hình họa nhằm ám thị về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa trên tất cả các bản đồ đăng trên trang web chính thức của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh 2008.

Với thiện chí của mình, tôi tin rằng, việc thực hiện đề nghị trên của tôi là một dấu hiệu rõ ràng về thái độ phi chính trị hóa một cách thực sự của Ủy ban Olympic Quốc tế, của Ban Tổ chức Olympic Bắc Kinh và của Chính phủ Trung Quốc. Ngược lại, chừng nào trên Bản đồ Rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 và Bản đồ Rước đuốc Paralympic còn có những dấu hiệu chính trị hóa như đã nêu trên thì chừng đó, những quy tắc của Hiến chương Olympic còn bị vi phạm và tất cả những lời kêu gọi phi chính trị hóa trong tình hình chính trị đầy sóng gió cho Olympic Bắc Kinh như hiện nay sẽ không thể nào đủ sức thuyết phục.

Vì sự minh bạch, tôi xin phép được thông báo với Ngài rằng lá thư này sẽ được sao chép và cùng chuyển cho các cơ quan truyền thông trên thế giới và công bố trước công chúng. Xin Ngài lưu ý rằng không chỉ tôi, mà còn các phương tiện thông tin đại chúng và công chúng đang theo dõi trả lời và phản ứng của Ngài. Tôi cũng xin khẳng định rằng tất cả những gì được viết trong lá thư này là thể hiện quan điểm của riêng cá nhân tôi, không thể hiện quan điểm của bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức hay chính phủ nào của bất cứ quốc gia nào.

Trong khi chờ đợi sự hồi âm và hành động của Ngài, tôi xin gửi đến Ngài những lời chào trân trọng.

Lê Minh Phiếu

Thursday, April 17, 2008

Hey Jude


Paul and Julian

Ban đầu, bài hát này có tên là Hey Jule, được Paul McCartney viết dành tặng cho Julian, con trai của John Lennon để an ủi cậu bé khi ba mẹ cậu ly hôn. Sau đó được đổi tên thành Jude, lấy cảm hứng theo một nhân vật có tên là Judd trong bộ phim âm nhạc Oklahoma.

Tôi thích bài hát này bởi khi nghe nó cảm thấy như một lời an ủi nhẹ nhàng và đầy thân thương nhất là lúc bị xuống tinh thần: Hey Jude, don't make it bad, take a sad song and make it better... Này Jude, đừng rầu rĩ, hãy lấy một bài hát buồn và làm nó đỡ buồn hơn...



Xem thêm songfacts

Nghe và download

Lyrics :
Hey, Jude, don't make it bad,
take a sad song and make it better
Remember, to let her into your heart,
then you can stop, to make it better.

Hey, Jude, don't be afraid,
you were made to go out and get her,
the minute you let her under your skin,
then you begin to make it better.

And anytime you feel the pain,
Hey, Jude, refrain,
don't carry the world upon your shoulders.

For well you know that it's a fool,
who plays it cool,
by making his world a little colder.
Da da da da da da da da...

Hey, Jude, don't let me down,
you have found her now go and get her,
remember (Hey Jude) to let her into your heart,
then you can stop, to make it better.

So let it out and let it in,
Hey, Jude, begin,
you're waiting for someone to perform with.
And don't you know that is just you?
Hey, Jude, you'll do,
the movement you need is on your shoulder.
Da da da da da da da da...

Hey, Jude, don't make it bad,
take a sad song and make it better,
remember to let her under your skin,
then you'll begin to make it better (better, better, better,better, better!)
Da, da, da, da da da, da da da, Hey Jude...
Da, da, da, da da da, da da da, Hey Jude...


Saturday, April 12, 2008

Entry for April 13, 2008

Đọc được trên blog của bạn Myselfvn : Bài báo của AFP về Thiện Nhân đã được nhiều tờ báo lớn tại Hồng Kông và Đài Loan in lại hôm qua. Hãy gửi đường link để chia sẻ trách nhiệm của lòng nhân ái với cha mẹ nuôi của em!

bài báo của nhà báo Tô Phán:


Số phận bé sơ sinh bị súc vật cắn mất chân và bộ phận sinh dục:

Nhân lên lòng thiện, điều nhân

Lao Động số 74 Ngày 02/04/2008 Cập nhật: 10:41 PM, 01/04/2008
Thương quá Nhân ơi!
(LĐ) - Vợ chồng Phùng Quang Nghinh - Trần Mai Anh gọi điện cho tôi vào một buổi chiều: "Bọn em đã có thêm một đứa con". Chưa kịp mừng, tôi đã ngạc nhiên vì các bạn đã có hai đứa con trai kháu khỉnh và thông minh.

Dường như đoán được suy nghĩ của tôi, Mai Anh giải thích: "Con nuôi. Anh nhớ cháu trai sơ sinh bị mẹ đẻ bỏ rơi, bị súc vật cắn mất một chân và bộ phận sinh dục không?". Tôi rụng rời cả tay chân...



Một số phận đau đớn kỳ lạ

Cuối tháng 7.2006, báo chí đã đưa tin về cháu bé đáng thương này và những thông tin đó đã gây ra sự phẫn nộ và thương xót. Xin trích thông tin trên một số báo:

..."Sau hơn 2 giờ cấp cứu, phẫu thuật, đến 16 giờ ngày 17.7.2006, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã cứu sống một trẻ sơ sinh nam khoảng 72 giờ tuổi, bị bỏ rơi trong tình trạng bị mất chân phải và bộ phận sinh dục... Đứa trẻ này được những người dân thôn 3, xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành - Quảng Nam phát hiện sáng 16.7 tại khu vườn của ông Hồ L(...). Ngành giám định pháp y tỉnh đã có kết luận thương tích trên người cháu bé là do súc vật cắn xé. Chiều cùng ngày, Công an huyện Núi Thành - Quảng Nam cũng đã xác định người mẹ bỏ rơi cháu bé... ".

Tôi không muốn nói gì hơn về sự tàn khốc mà cháu bé bị mẹ bỏ rơi đã phải trải qua, cũng không muốn bình luận về người mẹ còn quá trẻ. Khi người ta tìm thấy, người cháu be bét máu và đầy kiến bu, da tím ngắt không còn một chút sự sống. Dường như tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng nói của sinh linh bé bỏng: "Mẹ ơi, sao mẹ nỡ như vậy với con!". Vô cùng cảm ơn những người phát hiện ra cháu bé, những người đã đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện, vô cùng cảm ơn các thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã hết lòng cứu cháu bé. Khi bị mẹ bỏ rơi, khi bị súc vật cắn xé với nỗi đau đớn khủng khiếp như vậy, bên cạnh tình thương yêu của đồng loại đã cứu cháu, có lẽ còn có nghị lực và niềm khao khát sống rất bản năng đã giúp cháu bé sống sót. Một số phận đau đớn kỳ lạ!

Nhà chùa khi đến thăm cháu tại bệnh viện, đã đặt tên cho cháu là Hồ Thiện Nhân với ước muốn ghi nhận lòng Thiện, điều Nhân của con người mãi mãi đi theo cháu suốt cuộc đời. Cuối năm 2007, được sự giúp đỡ của nhiều "mẹ" và một vài tổ chức trong và ngoài nước, bé Hồ Thiện Nhân được đưa đến khám tại Da Nang Family Medical Practice. Bệnh án của Nhân được bác sĩ Jocelyn P.Nava ghi như sau:

"Bệnh nhân Hồ Thiện Nhân. Sinh ngày 15.7.2006.
... Phần chân phải bị cụt còn lại dài 12cm và chuyển động khá tốt. Trẻ được khuyên rằng cần được thay chân giả hàng năm cho đến khi 7 tuổi, cứ 2 năm thay 1 lần cho đến khi 12-13 tuổi, cứ 3 năm 1 lần cho đến khi 21 tuổi (độ tuổi hoàn thiện khung xương), trong thời gian đó bé có thể được thay chân lần cuối cùng.

... Cơ quan sinh dục của bé phải luôn luôn được giữ sạch sẽ kể từ khi bộ phận sinh dục của bé phát triển 1 lỗ nhỏ, điều này cũng dễ dẫn đến sự tắc nghẽn và nhiễm trùng. Do đó, tôi đề nghị siêu âm bụng dưới và vùng háng để xác định phạm vi cắt cụt. Việc tái tạo cơ quan sinh dục và tinh hoàn rất có thể thực hiện được khi bé đến tuổi dậy thì. Tôi không có đủ chuyên môn để tư vấn về điều trị căn bệnh do hormone gây ra. Về mặt sức khỏe sinh dục và tiết niệu, bé cần phải được khám bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này".


Tổ ấm mới
Khi báo chí đưa tin, trên diễn đàn những tấm lòng nhân ái của trang web Trẻ Thơ đã liên tục nhận được sự chia sẻ thương cảm của các bà mẹ cả nước. Những mẹ Meminhmin, MuaThu, Blue Cloud, Hạnh Nguyễn, memapcon, Manly, Conhuighe, Mesaurom, Mẹ Sóc xinh, Meyeuminh, Sonmum,... thường xuyên liên lạc thông báo tình hình sức khoẻ, sự chăm sóc đối với Hồ Thiện Nhân. Các mẹ đã "bầu" mẹ Nguyễn Thị Lý - đang làm việc tại Trung tâm Tin học Bưu điện Đà Nẵng, làm trung tâm kết nối, tiếp nhận những đóng góp tiền, sữa, quần áo, thuốc men cho Nhân. Những tấm lòng, những niềm thương yêu của các bà mẹ đã đến với cháu Nhân kịp thời.

Tình thương yêu đó đã đã được " đền đáp", Nhân càng lớn càng thông minh, nhanh nhẹn và đặc biệt là rất nhạy cảm về sự khiếm khuyết của thân thể. Những chuyến đi của các mẹ về nhà của Nhân (nhà bà ngoại nằm trên mảnh vườn nơi Nhân đã bị bỏ rơi) thấm đẫm nước mắt. Bà con, chính quyền xã đều rất thương Nhân. Nhưng để tính lâu dài cho tương lai của Nhân thì ông bà ngoại và mẹ đẻ của Nhân không thể làm được bởi quá nghèo.

Và rồi sự thương yêu một số phận đau đớn đã khiến nhiều bà mẹ quyết định: Phải tìm cho bé Nhân bố mẹ nuôi có điều kiện quan hệ, điều kiện kinh tế, điều kiện môi trường để chạy chữa, chăm lo lâu dài cho cháu nên người, bởi việc đó rất phức tạp và lâu dài. Mặc dù vậy, một cá nhân cũng khó có thể chăm lo cho cháu lâu dài như vậy. Vì vậy, cần cả sự giúp đỡ của cộng đồng và các tổ chức từ thiện. Nhưng ai sẽ là bố mẹ nuôi của cháu đây?

...Mai Anh kể:
"Tháng 7.2006, em đọc báo, rất xúc động về trường hợp của cháu. Nhưng sau đó báo chí không có thông tin gì thêm, nên em vào trang web Trẻ Thơ tham gia diễn đàn và được làm quen với rất nhiều người thương cháu. Em liên lạc với chị Lý và cùng các chị liên lạc email với các tổ chức nước ngoài, hỏi về việc chữa trị cho cháu.

Cuối năm 2007, em cùng một số bạn lên nhà Nhân thăm cháu. Khi gặp cháu, chúng em không cầm được nước mắt. Một cháu bé thông minh, nhạy cảm và phải chịu thiệt thòi như vậy nhưng không được chăm sóc y tế, chăm sóc nhiều mặt như những đưa trẻ khác. Tương lai của cháu đã khác biệt, sẽ cần khác biệt hơn so với các cháu bé đồng lứa nếu cháu sinh sống trong môi trường hiện tại. Lúc đó, em khát khao được làm mẹ để chăm sóc cho cháu.

Tình thương lớn hơn những khó khăn mà em đã lường trước sẽ diễn ra sau này, nên em đã quyết định sẽ xin cháu về làm con của mình. Và rồi sự thôi thúc phải chăm sóc, chạy chữa cho cháu càng nhanh càng tốt giúp em quyết định rất nhanh. Chồng em sau khi nghe về quyết định của em đã phân tích về trách nhiệm nhân lên rất nhiều (hiện vợ chồng em đã có 2 cháu trai) và thống nhất sẽ làm... bố của Nhân. Sau nhiều ngày phải hoàn thành các thủ tục pháp lý, chúng em về nhà bà ngoại của Nhân để đón cháu.

Cháu Hồ Thiện Nhân khi còn ở nhà bà ngoại (Núi Thành, Quảng Nam).

Trong ngày đến nhận cháu về, chúng em đã đến mảnh vườn nơi cháu bị vứt bỏ. Lúc đó, chúng em càng quyết tâm đón cháu. Thương lắm anh ạ. Nhà ông bà ngoại quá nghèo, nên cháu sống như con gà trong nhà, lê la khắp nơi bằng... 3 chi của mình. Cháu thấy gì ăn nấy, nhưng ăn nhiều nhất là chuối và... cơm nguội. Khi bọn em bế cháu rời nhà bà ngoại, cháu cứ quay lại giơ tay về ngôi nhà và khóc"...

Suốt đêm đầu tiên về nhà bố mẹ nuôi ở Hà Nội, Nhân không dám nằm ngủ. Cháu ngồi trên giường mà ngủ ngồi, mỗi khi gục xuống giường thì giật mình và như có sức mạnh nào đó khiến cháu bừng tỉnh để tiếp tục ngồi dậy. Dù bố mẹ dỗ mọi cách, cháu vẫn không chịu nằm. Trong thẳm sâu, cháu bé vẫn lo sợ điều gì đó bất ổn. Chính vì thế mà bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ của Mai Anh càng thương cháu, dành tình thương cho cháu nhiều hơn. Sau hơn nửa tháng về gia đình mới, đến nay Hồ Thiện Nhân đã "hoà nhập" trong tình thương yêu của tất cả các thành viên.

Chặng đường còn gian khổ
Khi tôi đến thăm, Nhân đang đứng một chân và sau đó được bố nuôi cho ăn chuối. Tôi muốn xem vết thương cũ của cháu, nhưng Nhân lấy tay giữ chặt quần, kiên quyết không cho cởi ra và khóc thét lên. Mai Anh giải thích: "Lâu nay cháu không muốn cho ai xem tình trạng cơ thể của cháu". Mắt tôi cay sè. Mới 18 tháng tuổi mà cháu đã nhạy cảm đến thế là cùng.

Một bác sĩ nói với Mai Anh khi được tin cô nhận nuôi Hồ Thiện Nhân: "Bạn đã làm một việc cao cả và không có kết thúc". Còn mẹ của Mai Anh nhắn tin: "Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp".

Vợ chồng Mai Anh đã đưa cháu đến Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội khám cho cháu để có lộ trình chữa chạy lâu dài. Các bác sĩ phải cố gắng lắm mới có thể "tiếp cận" thân thể của Nhân. Khi tận mắt chứng kiến, ai cũng choáng. Các bác sĩ đưa ra các khả năng: Sẽ phải làm chân giả, nhưng vì cháu còn phát triển nên hàng năm phải điều chỉnh chân giả cho cháu cho đến khi cơ thể không phát triển nữa; về bộ phận sinh dục, trước mắt phải phẫu thuật để cháu đi tiểu được dễ dàng, sau đó nếu chuyển đổi giới tính thì phải phẫu thuật và phải tiêm thuốc cả đời, nếu để nguyên giới tính nam thì phải phẫu thuật làm dương vật giả... Mai Anh quyết định không đổi giới tính cho cháu. Điều Mai Anh mong muốn cháu lớn lên sẽ nói thật mọi chuyện để cháu cùng cha mẹ nuôi phải đối diện với hoàn cảnh, "chiến đấu" để vượt lên, trở thành người đàn ông mạnh mẽ, tự tin và có ích cho xã hội.

Với một chân giả lần đầu tiên trong đời, ngày 1.4, bé Nhân đã đứng thẳng.

Nhưng cả quá trình đó là vô cùng tốn kém và lâu dài, chắc rằng vợ chồng Mai Anh không thể đủ sức. Tôi nhìn vợ chồng Mai Anh mà ái ngại. Sự mảnh dẻ kia có chịu nổi cực nhọc cả đời không? Mai Anh đỏ mắt: "Vợ chồng em thương Nhân lắm. Tội con nó anh ạ". Lòng thương yêu là vậy, nhưng chặng đường gian khó của vợ chồng Mai Anh và cháu Thiện Nhân còn dài. Nhân danh tình thương yêu, tôi xin kêu gọi cộng đồng xã hội, những người nhân ái sẽ xúm tay vào giúp cháu Hồ Thiện Nhân nên người. Địa chỉ của Mai Anh: 118 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội; email: hanoiguppy@gmail.com hoặc elkeray@yahoo.com

Khi tôi viết gần xong bài này thì nhận được điện thoại của Mai Anh: Hồ Thiện Nhân vừa được cha mẹ nuôi đưa đi lắp chân giả và hiện tại cháu đang được mọi người giúp đỡ đi. Mong cháu sẽ được cả cộng đồng xúm tay chăm lo, để cháu vững bước đi trên đường đời vốn chông gai từ khi lọt lòng mẹ!

Tô Phán

Sau khi Lao Động đăng tải bài viết "Nhân lên lòng thiện, điều nhân", đã có hàng trăm lá thư của bạn đọc ở trong và ngoài nước chia sẻ với cháu Nhân. Hàng chục đoàn đã tới thăm hỏi, tặng quà và động viên gia đình vợ chồng anh Quang Nghinh - Mai Anh và bé Nhân. Vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh hết sức xúc động về sự động viên chia sẻ của cộng đồng và bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến sự đến bạn đọc. Với cháu Nhân, việc chăm sóc, nuôi nấng, tạo điều kiện cho cháu học hành là điều vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh hoàn toàn có khả năng làm tốt. Tuy nhiên, việc chữa trị lâu dài cho cháu Nhân quả thực là một khó khăn. Đã có nhiều sáng kiến được nêu ra như các tổ chức độc lập tạo mở một Quỹ để chữa trị cho cháu Nhân hay mở riêng một tài khoản để các tổ chức cá nhân đóng góp và chỉ dùng cho việc chữa trị bệnh cho cháu Nhân... Rất mong bạn đọc phản hồi, góp ý về cách chăm sóc, chữa trị cho bé Nhân. Bấm vào đây để gửi ý kiến.

Theo đề nghị của nhiều bạn đọc, sau khi bàn bạc, vợ chồng anh chị Quang Nghinh - Mai Anh đã quyết định dùng tài khoản của chị Mai Anh để nhận sự trợ giúp của cộng đồng giúp cháu Nhân. Những đóng góp hảo tâm của cộng đồng đến tài khoản này sẽ chỉ được sử dụng phục vụ việc chăm sóc và chữa trị cho bé Nhân.

Tên chủ tài khoản: Trần Mai Anh, số 0011000474142 Vietcombank HO. Điện thoại liên lạc: 0936166588.



Tuesday, April 8, 2008

Entry for April 09, 2008

SONNET 73

William Shakespeare



That time of year thou mayst in me behold

When yellow leaves, or none, or few, do hang

Upon those boughs which shake against the cold,

Bare ruin'd choirs, where late the sweet birds sang.




In me thou seest the twilight of such day

As after sunset fadeth in the west,

Which by and by black night doth take away,

Death's second self, that seals up all in rest.




In me thou see'st the glowing of such fire

That on the ashes of his youth doth lie,

As the death-bed whereon it must expire

Consumed with that which it was nourish'd by.




This thou perceivest, which makes thy love more strong,

To love that well which thou must leave ere long.


Sonnet 73




Sẽ đến một mùa em nhìn thấy trong anh

Trơ trọi dàn đồng ca đổ nát, dẫu vừa còn đó tiếng chim ca

Khi trên cành thấp thóang mong manh

Chút lá vàng đợi giá buốt đi qua



Sẽ đến một ngày anh chỉ như tia nắng

Sắp tàn phai le lói cuối chân trời

Khuất hòang hôn là đêm đen lạnh vắng

Như hầm mộ kia khép chặt kiếp người



Sẽ đến lúc anh chỉ như đốm lửa

Trong tàn tro tuổi trẻ của anh thôi

Như phút cuối, chẳng thể bừng lên nữa

Bởi đã thắp lửa thanh xuân bằng cả một đời



Nếu em biết điều này, xin hãy yêu đến tận cùng hơi thở

Như thể là chẳng bao lâu nữa ta đã phải cách xa.

Monday, April 7, 2008

Một chuyến đi

Hồi chiều này tình cờ bắt gặp một chiếc xe buýt cũ của đoàn làm phim truyền hình, loại xe cũ từ hồi thập niên 80, màu vàng nghệ, đầu đuôi tròn ung ủng với những cánh cửa trống lơ trống lốc, lòng bỗng nao nao như thể bắt gặp lại cái gì xưa cũ lắm. Bỗng dưng nhớ đến một chuyến đi trong đời.

Năm ấy, cách đây 5 năm nhỉ, một chuyến đi ngẫu hứng đầy bất ngờ một ngày cuối tháng 4. Một bọn chừng 4 đứa mua vé tàu đi Tháp Chàm. Sau một đêm lắc lư, mờ sáng hôm ấy đáp đến sân ga Tháp Chàm đang đổ nát vì sửa chữa. Có một thằng ra đón 4 đứa còn đang lơ láo. Lần đầu tiên đến Phan rang mà lại cảm thấy nơi này gần gụi quá!

Nhớ Phan Rang ngày đầu tiên với tiệm cơm tấm ngay ngã tư ao cá Bác Hồ ngon mê tơi, những quán cà phê nhỏ xinh với giàn hoa đậu biếc, ly nước cam có kèm chút muối đậm đà hương vị...
Chúng tôi đón một chuyến xe "sang trọng" nhất đời mình lên đường đi tìm "suối Thương", "suối Tìm". Cái xe lạ lắm, chỉ có 2 hàng ghế, có 2 thanh trụ trong xe lung lay như răng bà lão, và cả một mặt phản bao la bằng tôn để mọi người ngồi. Chúng tôi cảm thấy vui, và mọi người trên xe dường như hiền lành lắm, có những cô bé người Chăm đen nhẻm mắt sáng long lanh... Tôi cảm thấy mình được ngắm những cuộc đời rất khác với cuộc đời mình đang có...

Xuống xe, gặp một đàn áo dài líu ríu vừa tan lớp, chúng tôi ghé vào quán nước bên đường, ngay cạnh lối mòn vào suối Thương, hình như là ở huyện Quảng Sơn thì phải. Thằng bạn tự nhiên mời ngay được 3 cô bé học trò vào uống nước, lại còn rủ đi suối Thương chơi. Cả bọn đón xe ôm chạy vào, đến nơi mới biết thì ra một trong 3 cô bé là con của ông chủ suối Thương, bạn mình quen biết đã lâu rồi (bây giờ mình lại quên hết cả tên)

Chuyện về suối Thương, suối Tìm mà mình nghe được là thế này, người chủ của con suối là một công nhân thủy điện ở vùng thượng nguồn con suối, trong một lần gặp nạn đã trôi về nơi con suối này và khám phá ra nó (có một điều lạ là con suối nằm kín đáo dưới tán rừng và bạn phải đến thật gần mới nhận ra thanh âm và bóng dáng của nó, có lẽ vì vậy mà bao lâu nay ít người biết đến) Ông tìm đường về quê, đưa vợ con vào khai phá và xây dựng nên khu du lịch này. Không biết bây giờ noi đó ra sao nhưng lúc chúng tôi đến đó, cá bắt từ dưới suối, nước suối được dẫn bằng những đường ống tre lên quanh những căn chòi lá cho khách ăn, dòng nước suối Thương được ngăn một phần thành thủy điện nhỏ chạy máy phát điện, một nhà máy nước đá nhỏ cũng được dựng nên và cung cấp cho cả thôn này. Chúng tôi ăn trưa xong, thì đi vào rừng thăm suối. Mọi thứ rất hoang sơ và được giữ hoàn toàn tự nhiên, những khúc cây bắc ngang bờ đá, cây cầu treo nho nhỏ. Rừng cây có những loài cây thấp sát bờ nước và chúng tôi mắc võng ngay trên dòng nước mát lạnh rì rầm chảy dưới chân trong bóng râm mát của cánh rừng. Yên tĩnh và trong lành...

Chiều đó chia tay chủ nhà, chúng tôi quyết định đi bộ ra đường lộ, vừa đi cả bọn vừa réo vang bài "giấc mơ chapi" và bài "em muốn sống bên anh trọn đời" Buồn cười nhất là được ngắm những tấm biển cảnh báo giao thông ngộ nghĩnh (khiến người ta tò mò) " : "hãy lái xe an toàn nếu không muốn --->" nhìn theo hướng mũi tên cả bọn nhận ra đằng kia là nghĩa địa :D

Tới đường lộ khi chiều vừa xuống, đứng vẫy xe mỏi tay mà không xe nào dừng lại. Tôi quyết định hăng hái ra sát lề vẫy xe, chiếc xe đầu tiên bác tài cứ lắc đầu vẫy tay, đến khi xe qua cả bọn vỡ ra cười vì là xe chở heo! :D. Cuối cùng cũng bắt được một chiếc xe chở... rau. Lúc đầu cả bọn đứng đằng sau thùng xe, toàn rau là rau, nhưng được một tí thì 2 bạn nữ được ưu tiên lên ngồi trên ca bin. Xe này cũng ngộ lắm, cabin ko có ghế, chỉ có độc ghế của bác tài thôi còn toàn bộ cũng là một mặt phẳng vô biên chứa được khoảng 5-6 người. Xe mát lộng như mui trần vì có cửa mở ở phía trên:D. Tôi nhìn qua nhỏ bạn cũng đang tủm tỉm cười và cảm thấy lòng mình yên bình quá, quanh tôi là những con người hiền lành và vui vẻ, tôi thực sự tin như thế. Xe chúng tôi dừng lại một lần để thắp nhang cho một ngội mộ bên đường, tôi không nhớ rõ lắm nhưng dường như ngôi mộ này có liên quan đến một câu chuyện về hai mẹ con gặp tai nạn trên đường rất linh thiêng, có nhiều xe khác nữa cũng dừng lại thắp nhang.

Xe lại đi trong màn đêm đang xuống, tới bến xe thì thành phố đã đỏ đèn. Chuyến đi của chúng tôi trong ngày hôm ấy kết thúc bằng một chuyến xích lô...

Chúng tôi còn ngày mai, và ngày mai nữa để rong chơi ở thành phố nóng như rang này. Khó có thể kể hết những xúc cảm tôi đã có trong chuyến đi đầy ngẫu hứng ấy, những câu chuyện đã trở thành kỷ niệm. Tôi đã gặp những khoảnh khắc bình thường mà lại đáng nhớ vô cùng, tôi đã nhìn ngắm và suy nghĩ nhiều về những nỗi buồn trong lòng mình vào thời điểm đó. và cảm thấy mình thoát ra khỏi nó nhẹ nhàng và thanh thản biết bao nhiêu...

Thursday, April 3, 2008

Entry for April 03, 2008

Tháng tư rồi! Ngày oi bức và đêm lộng gió! Sao năm nay hoa sao đen vẫn chưa nở nhỉ? Chờ...