Thursday, November 29, 2007

Email đầu tiên...


Hôm qua đọc 10 năm internet VN trên Tuổi trẻ bỗng nhớ cảm giác về bức email đầu tiên của mình. 1998 - Lần đầu tiên mình biết đến internet. Hồi đó internet còn tính bằng phút, ở trung tâm máy tính trong trường bách khoa, dưới hội trường A5 - (không biết bây giờ còn cho sinh viên thuê máy không nhỉ), hình như 200 đồng/phút. Chỉ nhớ rất lơ mơ về những hình ảnh về internet hồi ấy, hình như hồi ấy trong trung tâm toàn xài Win NT thì phải, hình nền đen thui... Hồi ấy cũng máu me với công nghệ thế nhỉ, theo thằng bạn bên khoa Điện vào phòng máy để tiếp cận với công nghệ mới. Lúc đó đã làm gì tưởng tượng đến biển thông tin mênh mang như giờ, chỉ biết rằng email đi nhanh lắm, không cần phải chờ mươi mười lăm ngày thì đứa bạn bên kia địa cầu mới nhận được thư mình nữa... Nghe mới hấp dẫn làm sao! Account email đầu tiên là hotmail, trình duyệt web đầu tiên là netscape... Và bức thư đầu tiên là cảm giác xúc động... Mình đã viết gì nhỉ, một điều gì đó tương tự như là : Tao không thể tưởng tượng được chỉ mấy phút nữa đây thôi, mày ở cách xa tao ngàn dặm, có thể đọc được ngay nhưng dòng chữ này trong tích tắc... Ôi cái cảm giác dường như mọi khoảng cách được nối gần, cuộc sống có bao điều kỳ diệu, con người đã làm được bao điều thần kỳ...gai ốc cứ nổi rần rần khi typing những dòng chữ ấy...

Đã bao năm kể từ lần đầu tiên ấy, bây giờ mọi thứ đã trở nên thật bình thường, internet mặc nhiên là một phần tất yếu của cuộc sống, mình lại bỗng nhớ vô cùng những cảm xúc của ngày xưa...

Monday, November 26, 2007

Sunday, November 4, 2007

"Và khi tro bụi"


Tôi tìm đọc "Và khi tro bụi" của Đoàn Minh Phượng khi tình cờ ghé qua blog của tác giả "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Ngọc Tư nói rằng : "Quyển sách tuyệt vời của chị Đoàn Minh Phượng đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007. Người ta đã trao giải cho cuốn sách mà mình cực kỳ yêu thích, mình sướng như chính… mình được trao giải vậy."

Tôi không biết các tác phẩm khác ra sao, nhưng quả thật "Và khi tro bụi" là một câu chuyện cuốn hút người ta ngay từ những dòng đầu tiên, từ lời đề tựa - một câu thơ của Henry Vaugham:
" When this dust falls to the urn
In that state, I came, return

Và khi tro bụi rơi về
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương"

Đoạn giới thiệu tôi cảm thấy khái quát nhất - của Trương Hồng Quang trên Talawas chủ nhật : "Và khi tro bụi vừa mang đầy chất thơ, chất ma lỵ, dường như gần gũi với phong cách của một Theodor Storm, cây bút văn xuôi hàng đầu của Đức vào cuối thế kỷ 19, hơn là với truyền thống của văn học Việt Nam, vừa mang tầm triết luận Đông – Tây như ở Siddhartha của Hermann Hesse, mặc dù thực chất đây là một cuốn Phản-Hesse, đồng thời lại là một cuốn truyện trinh thám với một cốt truyện và bố cục tinh vi."

Lời cảm nhận mà tôi thích nhất - của bạn GaRfiELd trên blog của chị Đoàn Minh Phượng : "...Người phụ nữ chạy trốn quá khứ, muốn lãng quên quá khứ...Quá khứ của cô chỉ là 3 dòng văn ngắn ngủi, là những tờ giấy rời rạc, không gì có thể gắn kết chúng lại với nhau kể từ ngày mùa Đông tháng 11 ... Để rồi cô phải vay mượn câu chuyện của một người khác, đi tìm chính mình và để làm những gì mà cô đã chạy trốn.

Khi cận kề cái chết, cận kề cát bụi...cô đã tìm lại được ký ức của mình, tìm lại hình ảnh quá khứ mà cô đã chạy trốn suốt cuộc đời. "In that state I came, return" . Với mình, đó không phải là quê hương của cô, mà là chính bản thân và sự thực cô đã chối bỏ."

Có rất nhiều cái nhìn kỳ lạ trong tác phẩm này, cái nhìn của một con người cô đơn nhưng mạnh mẽ và đầy tính thiện - Cái nhìn về nỗi cô đơn, về sự thanh bình... : "Nếu tôi vẽ một hình người, chính tôi, cái đầu tiên tôi sẽ là một đường viền... Con người không là gì nếu không ở bên trong những biên giới khép chặt. Trong mấy phút mông lung giữa đám sương mù, tôi thấy đường viền của mình đang mất đi, tôi đang tan vào mọi người vào sương, vào giòng sông, vào ánh sáng mờ đục của những ngọn đèn đường mới thắp. Biết đâu sự thanh bình muôn thủa chỉ giản dị vậy thôi. Biết đâu cái chết không phải màu đen của tối tăm, hay màu trắng của chối bỏ, mà là một đám sương mù êm ái làm nhạt nhòa những bức tường đá lạnh của tuổi thơ..."

Và tác phẩm cuốn hút người ta cho đến tận dòng cuối cùng, như bước ra khỏi giấc chiêm bao đầy sương mù còn cảm thấy cái ẩm ướt và lạnh lẽo trong từng cảm giác. Kết thúc là một kết thúc mở, không biết cô gái có được cứu sống hay không nhưng chắc chắn một điều cô đã tự mình giải thoát cho mình khỏi một nỗi ám ảnh không nguôi về bản thân : "Tôi phải đi tìm tôi, ghi chép mình ra trên giấy. Tôi phải thấy nhìn thấy mình, đọc được mình. Tôi phải có thật để cái chết của tôi có thật."

Kết luận cuối cùng: Một tác phẩm rất hay!