Friday, January 25, 2008

Quá khứ


Daisy field - lgraceoriginals.com


"Quá khứ là một cánh đồng nơi mùa đông và những cơn mưa chưa kịp đến..."

Còn nhớ trong giờ học văn chương Mỹ khi nói về W.Faulkner, cô đã nói câu này. Nó tự nhiên đi vào đầu mình cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng lại bật ra. Quá khứ bỗng trở nên cụ thể thành nỗi mênh mang của cánh đồng mãi xanh tươi không thể lụi tàn. Nó không chết, nó cứ sống hay núp đâu đó trong lòng người để có thể một ngày kia hiện ra và mãi mãi sống động trong ngày hôm qua của ta. Con người già đi nhưng kỷ niệm không già, trong ký ức, ngày hôm qua vẫn mãi là một ngày thứ năm đầy nắng hay mưa..., những gương mặt vẫn mãi ở tuổi thanh xuân rạng rỡ...

"The past is not dead. In fact, it's not even past." - William Faulkner

Tuesday, January 22, 2008

Chiều...


Evening bells - Isaac Levitan


Chiều là khi kết thúc của một ngày. Người ta thật dễ có cảm giác buồn buồn và nuối tiếc vào những lúc hoàng hôn. Là khi nỗi nhớ thật dễ dâng đầy và những cảm giác bâng khuâng nhân cơ hội tìm về "len lén tâm tư". Chiều có khi là "chiều một mình qua phố"... Có khi "chiều chậm đưa chân ngày"... Có khi "Chiều không em"... Lại đôi lúc "khi chiều xuống bên sông nước lên"...

Âm thanh của tiếng "chiều" vang lên sao quá quen mà bỗng nhiên có lúc thành lạ lẫm...

Chiều hoang
Nhạc Phú Quang
Thơ: Thái Thăng Long

Không có ai
khi chiều về trước ngõ
chiều và chiều thương nhớ
Em và em ở đâu?
Không có ai
khi chiều đến hư ảo
nắng trên cao và gió vô tình

Chiều hoang trong bài ca
cho ta và em nơi ấy
cho mỗi cuộc đời
cho mỗi nhành hoa
cho mỗi nụ hôn
cho đầy men rượu
cho cuộc tình lìa xa
giấc mơ giờ phôi pha

........


Monday, January 14, 2008

Những mùi hương...

Sáng nay mẹ bắt đầu làm kiệu, mùi Tết đã bắt đầu rồi đây. Hương kiệu nồng nồng đánh thức những ký ức về mùa Tết cũ. Rồi sẽ là mùi dấm đường, mùi nước mắm đun chung với dấm đường của món dưa món... Một sáng nào đó thức dậy sẽ nghe trong gió mùi của nồi bánh chưng đang vớt quện lẫn trong phảng phất khói nhang trầm...Ôi bao nhiêu là mùi hương gợi nhớ ...
Có phải nỗi nhớ vốn có rất nhiều mùi, tùy theo làn hương nào đã đi vào trong nỗi nhớ ? Có khi mùi nhớ là hương đất ngai ngái sau mỗi thoáng mưa rào đầu hạ. Là mùi hoa ngọc lan trong một đêm mưa. Là mùi hoa sao đen tháng ba Sài Gòn. Mùi hoa sử quân tử trong một con hẻm bâng quơ nào đó. Một thoảng hương hoa ban nhè nhẹ ở sân trường...
Khi mùi hương đột nhiên xuất hiện, thì không gian đã từng chứa đựng mùi hương ấy cũng trở về lãng đãng, mơ hồ trong trí nhớ. Có khi ký ức chất chồng ký ức và chỉ còn lại cảm giác không rõ tên về một mùi hương, cũng có khi đột nhiên rõ ràng kinh khủng!
Ôi, những người mũi thính đến là hay nhớ linh tinh !

Tuesday, January 8, 2008

Mùa giáp tết


Bây giờ đã sang tháng Chạp, chẳng còn mươi ngày nữa Tết đã đến cận kề.

Trong cảm nhận của riêng tôi, mùa giáp tết ở Sài Gòn không như ở miền Bắc, khi những đợt lạnh từ độ Noel lùi dần, cái nắng hanh giữa mùa khô đang đến, Sài gòn ồn ào và nào nhiệt sẽ cứ sôi lên cho đến những ngày phố phường bừng lên sắc đỏ. Lúc Tết về, Sài Gòn tự nhiên sẽ trầm lắng đi và những con phố trở nên hiền hòa bởi vắng bóng những cư dân xa xứ . Những sáng mai, những chiều hôm Sài gòn sẽ có chút hơi sương và đôi khi ta sẽ bắt gặp những gốc mai được chở về từ một nhà vườn nào đó hay đi trên đường phố Sài gòn chợt nao lòng bởi những cánh én chao nghiêng. Mùa xuân đã trở về.

Năm nay mai nở sớm, có những cây mai cứ rực lên như Tết, và xác hoa rơi tơi tả những thềm nhà. Nhà ai mai nở sớm sẽ không còn được lặt lá mai, không còn được cảm thấy cái bâng khuâng và chộn rộn trong lòng khi nâng những chiếc là già cỗi của năm qua và thầm kỳ vọng những nụ mầm mới chớm sẽ kịp ra đúng hẹn.

Tết với tôi lúc nào cũng mang lại một nỗi man mác, bâng khuâng không rõ vì giao mùa hay vì nỗi cảm nhận thời gian sao mà trôi nhanh quá... Bắt đầu một điều gì đó bao giờ cũng là sự kết thúc của một điều gì trước nó...

Tuesday, January 1, 2008

Mikhain Prisvin


Spring - Isaac Levitan
(Bây giờ là mùa xuân. Bỗng nhiên nhớ đến Prisvin trong hình dung của Pautovsky về ông. Một bài văn súc tích, chứa đựng rất nhiều điều đáng suy nghĩ. Giá như mình có thể đọc được một tác phẩm của Prisvin nhỉ! )

Mikhain Prisvin


Nếu như thiên nhiên biết mang ơn con người đã đi sâu vào trong lòng đời sống của thiên nhiên, đã ca ngợi nó, thì người trước tiên xứng đáng được hưởng ơn đó là Mikhain Prisvin.

Tên Mikhain Mikhailovic Prisvin là tên dùng trong thành phố, còn ở những nơi mà Prisvin cảm thấy là nhà mình - trong những túp nhà của những người tuần rừng, ở những bãi sông dằng dặc màn sương, dưới những đám mây và những vì sao của bầu trời đồng nội nước Nga - người ta gọi ông rất đơn giản là "Mi-kha- lứt". Và dĩ nhiên người ta cũng rầu lòng khi ông biến mất trong thành phồ, nơi chỉ có loài én làm tổ dưới mái sắt là nhắc ông nhớ đến "quê hương loài sếu" của ông.

Cuộc đời của Prisvin là tấm gương về con người đã từ bỏ mọi cái xa lạ mà hoàn cảnh áp đặt cho ông và chỉ sống "theo lệnh truyền của trái tim". Cái lẽ sống như vậy có một ý nghĩa lành mạnh, vô cùng vĩ đại. Người sống "theo trái tim", trong sự hòa hợp với thế giới bên trong của mình là người sáng tạo, là người làm giàu cho cuộc sống và là nghệ sĩ.

Không hiểu nếu Prisvin vẫn là nhà nông học (nghề đầu tiên của ông) thì trong đời ông, ông đã làm được những gì? Dù sao thì chửa chắc ông đã phát hiện cho hàng triệu người biết thiên nhiên Nga như một thế giới thi ca tế nhị nhất và trong sáng nhất. Giản đơn là ông chẳng có đủ thì giờ làm chuyện đó. Thiên nhiên đòi hỏi con mắt chăm chú và hoạt động nội tâm liên tục để tạo ra trong tâm hồn nhà văn một thứ "thế giới thứ hai" của thiên nhiên. Cái thế giới thứ hai ấy làm cho chúng ta thêm giàu suy tưởng, nó lấy sắc đẹp của thiên nhiên mà nghệ sĩ đã thấy, làm cho chúng ta cao quý hơn lên.

Nếu ta đọc kỹ tất cả những gì Prisvin đã viết thì ta sẽ phải tin chắc rằng ông mới chỉ kịp nói với chúng ta được có một phần trăm những điều ông thấy và hiểu rất rõ.

Đối với những nghệ sĩ bậc thầy như Prisvin, một cuộc đời thực quá ít ỏi. Họ là những người có thể viết cả một bài thơ trường thiên về mỗi chiếc lá thu rơi. Mà có nhiều lá như vậy rơi lắm. Có biết bao nhiêu chiếc lá rụng mang theo những ý nghĩ không nói ra của nhà văn, những ý nghĩ mà Prisvin nói rằng chúng rụng xuống như những chiếc lá, không cần phải gắng sức.

Prisvin gốc người tỉnh En-xơ – một thành phố Nga cổ. Cũng trong những vùng ấy đã xuất hiện Bunin, người hệt như Prisvin, biết làm cho thiên nhiên phong phú thêm bằng màu sắc của những suy tưởng và tâm trạng con người.

Giải thích điều đó như thế nào đây? Hẳn là do thiên nhiên vùng đông Oc-lốp-si-na, thiên nhiên ở quanh tỉnh En-xơ rất Nga, rất giản dị và không giàu có. Và chính trong đặc điểm ấy, cả trong vẻ hơi khắc nghiệt của nó, ta tìm được câu giải đáp về cái sắc sảo nhà văn trong Prisvin. Trên cơ sở giản dị, phẩm chất đất đai nổi lên rõ hơn, cái nhìn cũng sắc hơn và ý nghĩ cũng tập trung hơn.

Sự giản dị nói với con tim mạnh hơn cái hào nhoáng nhiều màu nhiều sắc, ánh lửa pháo hoa của những buổi hoàng hôn, bầu trời sao sôi sục và cây cỏ lấp lánh của những miền nhiệt đới, nó gợi ta đến những thác nước lớn, những Niagara với lá và hoa.

Viết về Prisvin rất khó. Ta cần ghi lại cho ta những lời của ông trong những cuốn sổ ghi những điều thầm kín, đọc đi đọc lại, tìm ra những vật báu mới trong mỗi dòng, đi sâu vào tác phẩm của ông như đi theo những con đường không rõ nét trong rừng thẳm có những dòng suối trò chuyện với nhau và hương thơm của cỏ; dùng trí óc và trái tim thâm nhập vào những ý nghĩ là những trạng thái tâm hồn phong phú đặc biệt chỉ có trong con người trong trắng của ông.

Prisvin cho mình là nhà thơ “bị đóng đanh trên cây thập tự văn xuôi”. Nhưng ông đã lầm. Văn xuôi của ông còn đầy chất thơ hơn nhiều, so với một số lớn những bài thơ và những bản trường thiên.

Nói theo cách Prisvin thì tác phẩm của ông là “niềm vui vô tận của những khám phá thường xuyên”

Tôi đã vài lần được nghe thấy ở những người vừa đọc xong một cuốn sách của Prisvin cũng những lời này: “Thật là ma thuật!”

Nói tiếp câu chuyện với họ tôi mói hiểu người ta nói như thế chỉ vì thấy cái ngây ngất khó tả, nhưng rõ rệt và chỉ có ở Prisvin.

Điều bí ẩn của nó nằm ở chỗ nào? Bí mật của những cuốn sách ấy ở đâu? Những chữ “phép phù thủy”, “phép tiên” thường dùng trong những truyện cổ tích. Nhưng Prisvin đâu phải là người viết cổ tích. Ông là người của đất, của “bà mẹ đất đai ẩm ướt”, nhân chứng của tất cả những gì đang diễn ra quanh ông trên trái đất.

Đó là cái sắc sảo biết tìm ra trong mỗi vật nhỏ bé một điều thú vị, dưới cái bề ngoài của đáng ngán của những hiện tượng quanh mình một nội dung sâu sắc.

Mọi vật đều bong lên ánh thơ như cỏ gặp sương. Mỗi lá liễu hoàn diệp hèn mọn có cuộc đời riêng của nó.

“Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn trong sạch, và về sáng, băng đầu mùa đã kết. Mọi vật đều xám, nhưng những vũng nước chưa đông. Khi mặt trời lên, sưởi ấm cho muôn vật thì sương đã ướt đầm cây cỏ, những cành thông từ trong rừng tối ló ra như những đường thêu lóng lánh, tưởng chừng nếu có dùng tất cả kim cương của thế giới cũng chẳng đủ để trang hoàng như vậy”.

Trong đoạn văn thực là kim cương này mọi vật đều giản dị, chính xác và đầy chất thơ bất tử.

Đọc những chữ trong đoạn ấy bạn sẽ phải đồng tình với Gorki khi ông nói Prisvin đã “cao tay kết hợp mềm dẻo những từ đơn giản làm cho mọi vật được miêu tả gần như có thể sờ mó thấy”.

Nhưng như thế cũng chưa đủ. Ngôn ngữ của Prisvin là ngôn ngữ nhân dân. Nó chỉ hình thành trong sự chung đụng chặt chẽ của người Nga với thiên nhiên, trong lao động, trong cái đơn giản và sáng suốt của tính cách nhân dân.

Câu: “Đêm qua đi dưới vầng trăng to lớn, trong sạch” hoàn toàn truyền đạt một cách rõ ràng khoảng thời gian im lìm và hùng vĩ của đêm khuya đang trôi đi trên đất nước ngủ yên. Và “băng đầu mùa đã kết” và “sương đã ướt đầm cây cỏ” – tất cả những từ đó đều sinh động, đều nhân dân, không phải nghe lỏm ở đâu mà được, hoặc rút ra từ sổ tay, mà là của riêng của mình. Bởi vì Prisvin là người của nhân dân chứ không phải là người quan sát đứng bên ngoài mà nhìn nhân dân như một tài liệu dùng cho những tác phẩm của ông. Chuyện đó, tiếc thay, lại vẫn thường có ở các nhà văn.

Những nhà thực vật học có danh từ “tạp thảo” (raz-no-tra-viê). Danh từ này thường chỉ những cánh đồng cỏ ra hoa. Nó là sự ngẫu hợp của hàng trăm thứ hoa tươi tắn khác nhau mọc đầy trên bờ những ao hồ liên tiếp ở những triền sông.

Ta hoàn toàn có quyền gọi văn xuôi của Prisvin là “tạp thảo” của ngôn ngữ Nga. Những từ của Prisvin nở hoa, sáng lấp lánh. Lúc thì chúng xào xạc như cỏ, lúc lại thì thào như những nguồn suối, lúc thì hót lên đối đáp nhau như chim, lúc kêu lách tách khe khẽ như băng đầu mùa, và lúc thì hình thành trong trí ta chậm chạp và quy củ chắc khác gì những dòng sao.

Phép lạ của văn Prisvin sở dĩ có được là do những hiểu biết rộng rãi của ông. Trong bất cứ lĩnh vực nào của tri thức con người cũng đều có một hồn thơ vô tận. Những nhà thơ đáng lẽ phải biết điều đó từ lâu.

Đề tài về bầu trời sao được các nhà thơ yêu mến sẽ tráng lệ thêm biết bao nếu như các nhà thơ biết rõ về thiên văn học.

Đêm với bầu trời không tên và vì thế mà không có sức biểu hiện mạnh mẽ là một chuyện, nhưng cũng đêm ấy, nếu nhà văn biết quy luật vận chuyển của vòm sao và khi mặt nước hồ phản chiếu không phải là một chòm sao nào đó mà là sao Orion lấp lánh lại là một chuyện khác.

Có thể dẫn ra rất nhiều thí dụ chứng minh rằng chỉ một hiểu biết con con cũng mở ra trước mắt chúng ta những lĩnh vực mới của cái đẹp. Trong chuyện đó, người nào cũng có kinh nghiệm của riêng mình.

Nhưng lúc này tôi muốn kể câu chuyện về một câu văn của Prisvin, câu văn này đã giải thích cho tôi hiểu một hiện tượng mà đến lúc ấy tôi vẫn cảm thấy là ngẫu nhiên. Câu văn của Prisvin không phải chỉ giải thích hiện tượng ấy mà còn làm cho nó đầy đủ thêm bằng cái duyên dáng, tôi muốn nói cái duyên dáng theo đúng quy luật.

Từ lâu lắm tôi đã nhận thấy trong những cánh đồng cỏ luôn luôn sũng nước bên bờ sông Ô-ka lác đác có những bông hoa như được lượm lại thành từng cụm, còn ở một số chỗ khác giữa đám cỏ bình thường bỗng kéo dài ngoằn ngoèo toàn một thứ hoa giống nhau. Từ trên chiếc máy bay nhỏ bé “U2” vẫn thường đến phun thuốc trừ muỗi ở những đồng cỏ và đầm lầy, cảnh đó trông càng rõ.

Đã nhiều năm tôi ngắm nghía những dải hoa cao và thơm ngát kia, mê mẩn với chúng, nhưng không biết giải thích hiện tượng đó thế nào. Mà cũng phải thú thực là tôi cũng chẳng hề nghĩ đến chuyện đó.

Và rồi ở Prisvin, trong cuốn bốn mùa, cuối cùng tôi đã tìm thấy câu giải thích ấy chỉ trong có một dòng chữ, trong một đoạn ngắn cỏn con dưới đầu đề “Sông hoa”.

“Nơi trước kia có những dòng suối xuân chảy băng băng, giờ đây là những suối hoa”.

Tôi đọc câu đó và hiểu ngay rằng những dải hoa mọc lên đúng ở nơi mùa xuân có nước dòng chảy mạnh và để lại đất phù sa màu mỡ. Nó giống như một bức bản đồ bằng hoa họa những con suối xuân.

Sông Đúp-na chảy qua gần Matx-cơ-va. Người ta đã đến cư trú ở đấy có hàng nghìn năm, sông Đúp-na nổi tiếng, nó được ghi trên bản đồ. Đúp-na chảy êm đềm qua những khu rừng nhỏ ngoại ô Matx-cơ-va toàn cây hốt bố, xanh lên màu đồng nội và đồi cây, nó chảy bên những thành phố cổ xưa: Đ-mi-tơ-rốp, Ver-bi-lốc, Tan-đôm. Hàng ngàn người đã đi qua dòng sông này. Trong số đó có các nhà văn, các họa sĩ và các nhà thơ. Nhưng không có ai nhận ra chút gì đặc biệt đáng mô tả trên dòng Đúp-na. Không có ai đi trên hai bên bờ sông này mà cảm thấy như đi trên một đất nước chưa người biết tới.

Prisvin đã làm chuyện đó. Và sông Đúp-na bình thường bỗng lấp lánh lên dưới ngòi bút của ông, giữa những đám sương mù và những buổi hoàng hôn âm ỉ cháy, giống như một phát hiện địa lý, một phát minh, như một trong những dòng sông thi vị nhất của đất nước với cuộc sống riêng, với cây cỏ riêng, với cảnh quan duy nhất chỉ riêng Đúp-na mới có, với sinh hoạt của những người dân ở hai bên bờ sông và với lịch sử.

Ở nước ta có những người vừa là nhà thơ vừa là nhà bác học như Ti-mi-ria-dép, Kliu-t-sép-xki, Kai-gô-rô-dốp, Fe1c-xman, Ô-brut-sép, Menzbia, Ac-xô-nhi-ép, như nhà thực vật học ko6-giép-nhi-cốp, người đã viết một cuốn sách rất mực khoa học đồng thời lại hấp dẫn về mùa xuân và mùa thu trong đời sống các loại cây.

Và ở nước ta đã có và hiện có những nhà văn biết đưa khoa học vào truyện dài, tiểu thuyết của mình như một tính chất cần thiết bậc nhất của văn xuôi, thí dụ như Men-nhi-cốp- Pêt-séc-xki, Ác- xa – cốp, Gorki, Pi-nhê-ghin và những người khác nữa

Nhưng Prisvin chiếm một vị trí đặc biệt trong những nhà văn ấy. Những hiểu biết rộng rãi của ông trong địa hạt nhân chủng học, sinh vật khí hậu học, thực vật học; động vật học, nông học, khí tượng học, sử học, điểu loại học, địa lý học, văn chương truyền khẩu, địa phương học và những khoa học khác nữa trở thành bộ phận hữu cơ trong đời sống nhà văn của ông. Chúng không nằm ì như một đống hàng chết. Những khoa học ấy sống trong con người ông, chúng liên tục phong phú thêm nhờ kinh nghiệm của ông, óc quan sát của ông, bởi các đặc tích may mắn mà ông có là nhìn được những hiện tượng khoa học trong cái biểu hiện thơ của chúng, trong những thí dụ nhỏ hoặc lớn, nhưng đều bất ngờ như nhau.

Khi Prisvin viết về con người, hình như ông phải nheo mắt lại vì cái nhìn sáng suốt của mình. Ông không chú ý đến cái ngoại lai. Ông say mê những mơ ước trong lòng mỗi người, dù cho người đó có là người đốn rừng, là người thợ săn hay là nhà bác học danh tiếng.

Đưa cái mơ ước thầm kín của con người ra ngoài ánh sáng – đó chính là nhiệm vụ của ông. Nhưng làm được việc đó rất khó, Không có gì con người giấu kín như là mơ ước. Có lẽ vì mơ ước không chịu nổi một sự chế giễu nhỏ, cả đến một câu nói đùa, và tất nhiên không chịu nổi sự đụng chạm của những bàn tay hờ hững.

Chỉ có với người đồng tâm với ta, ta mới có thể thổ lộ mơ ước của ta mà không có hại. Prisvin là người cùng tư tưởng của những nhà mơ mộng vô danh của chúng ta. Các bạn thử nghĩ đến chuyện ngắn Đôi giày của ông về những người thợ giày “Vôn-t-sơ-ki” ở vùng Marina Rô-sa, những người định đóng một đôi giày tráng lệ và nhẹ nhàng nhất thế gian cho người phụ nữ của cộng sản chủ nghĩa.

Prisvin chết đi còn để lại nhiều ghi chép và nhật ký. Trong những ghi chép ấy có rất nhiều suy tưởng của Prisvin về nghệ thuật viết văn. Trong lĩnh vực này ông cũng đi sâu không kém gì trong quan hệ đối với thiên nhiên.

Tôi nghĩ rằng có một truyện ngắn của Prisvin về cái giản dị của văn xuôi đáng được coi là kiểu mẫu về cách suy nghĩ đúng đắn. Truyện ngắn tên là Người sáng tác. Trong truyện ngắn có đoạn đối thoại về văn học giữa nhà văn và một chú bé chăn bò.

Câu chuyện họ nói với nhau như thế này. Chú bé chăn bò bảo Prisvin:

“- Nếu thực là bác viết văn thì có lẽ bác toàn là bịa cả.

- Không phải toàn là bịa đâu – tôi trả lời – nhưng của đáng tội là tôi cũng có bịa tí ti đấy.

- Cháu mà viết ấy á, cháu sẽ viết rất tuyệt!

- Viết đúng y như thật?

- Hoàn toàn như thật. Giả dụ, nếu cháu viết về đêm, cháu sẽ viết đêm trôi qua trên đầm lầy như thế nào.

- Cháu viết thế nào nào?

- Viết thế này! Đêm! Một bụi cây to thực là to bên cạnh hố nước. Cháu ngồi dưới bụi cây, còn lũ vịt con thì cứ vít, vít, vít….

Nó ngừng lời. Tôi nghĩ rằng hẳn nó đang tìm chữ hoặc đang đợi hình ảnh. Nhưng nó rút ra chiếc gia-lây-ca và bắt đầu khoét lỗ.

- Ờ, thế rồi sao nữa? – tôi hỏi – Cháu muốn tả đêm kia mà.

- Thì cháu đã tả xong rồi mà – nó trả lời – Hoàn toàn đúng sự thực. Một bụi cây to thực là to! Cháu ngồi dưới bụi cây, còn lũ vịt con thì cứ suốt đêm vít, vít, vít….

- Thế ngắn quá!

- Sao vậy, “ngắn” à! – chú bé chăn bò ngạc nhiên – Suốt đêm chúng nó kêu vít, vít …

Hiểu rõ câu chuyện chú bé kể, tôi nói:

- Hay quá!

- Không đến nỗi tồi, bác ạ! – nó trả lời"

Trong sự nghiệp viết văn của ông, Prisvin là kẻ chiến thắng. Bất giác tôi nghĩ đến một câu nói của ông: “… Nếu như chỉ có những đầm lầy hoang dại là nhân chứng cho thắng lợi của anh thì chúng sẽ tỏa ra một sắc đẹp kỳ lạ, và mùa xuân sẽ còn với anh mãi mãi, một mùa xuân vinh quang thuộc về thắng lợi của anh”.

Đúng như thế, mùa xuân của văn xuôi Prisvin sẽ còn mãi mãi trong cuộc sống và trong nền văn học xô viết của chúng ta.


(Trích Cuốn sách định viết từ lâu – Bông hồng vàng - K.Pautovsky – Bản dịch của Kim Ân)