Saturday, March 29, 2008

Một bài viết của Trịnh Công Sơn

Năm 1999, tôi đọc trên báo tuổi trẻ một bài viết của Trịnh Công Sơn trong ngày ra đi của giáo sư Hoàng Thiệu Khang. Có lẽ đó là bài khóc bạn mà tôi cảm thấy xúc động nhất trong những bài tôi đã đọc. Hai năm sau, 1/4/2001, Trịnh Công Sơn mất. Chiều hôm đó tôi đi ngang đường Phạm Ngọc Thạch và thấy người ta đứng rất đông ở một con hẻm, ngày hôm đó tôi mới biết đó chính là nhà của nhạc sĩ họ Trịnh. Cảm thấy bàng hoàng và nhớ lại bài viết năm xưa của ông.


Bây giờ đã là bao lâu rồi, thời gian đi nhanh quá!


"Tôi vừa mất đi một người bạn, cũng có nghĩa là tôi đã mất đi một phần nào đó trong cuộc sống của mình. Cái phần mất đi có thể nhỏ cũng có thể lớn lao vô cùng. Có một thứ ngậm ngùi và có thể có cả nghìn giọt nước mắt. Để khóc một người bạn thì không cần che giấu vì mình đang khóc. Khóc vì một người mỗi ngày ăn cơm, uống rượu với bạn và cười ha hả với nhau thì không có gì phải hổ thẹn. Đấng nam nhi nào cũng phải có lúc yếu lòng vì một mất mát động đến sâu sa của tâm can. Chết là hết mà có khi chết cũng vẫn còn. Còn và hết, là tùy theo suy nghĩ của mỗi người. Nhưng còn và hết là một nỗi vô vọng của con người muốn đi tìm một sự tuyệt đối không có thật.

Giáo sư mỹ học Hòang Thiệu Khang là một người bạn rất thân của tôi. Mỗi ngày chúng tôi đều ăn uống với nhau. Ăn uống với nhau hàng ngày trở thành một thói quen. Bỗng nhiên nay mất đi một thói quen cũ. Khang nằm xuống và tôi đứng trước một xác thân im lìm. Xác thân ấy hôm qua và những hôm trước nữa và cả một năm dài đã ngồi cạnh tôi, ngồi cạnh như một thực thể sống động vui cười hả hê với cuộc đời vây quanh. Thế mà chỉ giây phút không còn nữa. Không còn như một hạt bụi mong manh tan biến trong cõi phù trần này

Khang ơi, ông định viết một bài về tôi. Chưa kịp viết thì ông đã bỏ đi. Không hề gì đâu. Viết cho nhau chỉ là một cái cớ để bày tỏ sự tồn tại của mình. Không viết, biết đâu, chính là sự bày tỏ cao quý nhất.

Khang ơi, ông đi, tôi chưa hiểu được là ông đã mất tôi hay tôi đã mất ông. Mất, còn, có, mất, được, thua, còn có ý nghĩa gì nữa đâu khi giá trị của sự hiện diện không còn nữa.

Thế thì Khang ơi, hãy như có đó mà cũng như không. Không có, có không đều là vô nghĩa và sự vô nghĩa đó hình như cũng chính là hư không. Đã là hư không thì nói thêm làm gì nữa cho vô ích mà thêm mệt mỏi cuộc đời.

Ông ngủ yên đi Khang ơi, tôi buồn quá nhưng cứ mặc tôi Khang ơi!

Nghìn thu ra đi!

Nghìn thu ở lại!

07/08/1999

Trịnh Công Sơn"


Tuesday, March 25, 2008

Nghĩ về cô đơn

Hôm qua đọc "Sự cần thiết của cô đơn" của Cao Hành Kiện, lòng bỗng vỡ ra nhiều điều. Trước nay mình vẫn hay suy nghĩ về nỗi cô đơn, vẫn cho rằng nó là một thuộc tính của con người, thế nhưng cho đến tận hôm qua mình mới cảm thấy thực sự hiểu thêm về cái cảm thức này.

Có những giai đoạn trong cuộc đời mình, cảm thấy cô đơn. Đến nay, đã đủ nhiều để mình biết điều đó thật bình thường và là thứ mọi người đều trải qua. Mình vẫn thường thấy đó là cảm giác tiêu cực, có lúc vượt qua nó bằng bạn bè, công việc, trút nó vào đâu đó để có lúc nhìn lại thấy được những cảm giác mình đã từng trải qua... và tin rằng rồi nó cũng sẽ qua, như mọi thứ đều có mở đầu và kết thúc. Thế nhưng nỗi cô đơn là một vòng luẩn quẩn rất hay trở lại là bởi vì mọi thứ mà ta mong muốn dường như đều thuộc về thế giới bên ngoài? Khi đọc "Sự cần thiết của cô đơn" mình nhớ lại những điều Dadi Janki đã nói về sức mạnh nội tâm, và cảm thấy cô đơn chính là để tôi luyện sức mạnh này. Bất cứ điều gì xảy đến với ta đều mang một ý nghĩa nào đó trong quá trình hoàn thiện chính bản thân mình.

Niết bàn chính là sự an vui ở hiện tại.

Biết là thế nhưng vẫn biết từ suy nghĩ đến hành động không phải là đơn giản.

Saturday, March 8, 2008

Tháng 3

Đã lại đến một tháng ba!

Chiều nay trời đổ mưa, cơn mưa như ở giữa mùa mưa! Là giao mùa hay trái mùa? Những thứ trái mùa lại hay đem đến những xao xuyến bâng khuâng nhiều hơn cả những trình tự bình thường lắm chứ!

Đi trong cơn mưa ở một đường phố cũ, tình cờ thấy lại một khoảnh khắc nào đó ta đã qua con phố này cũng trong một cơn mưa. Bỗng dưng mới cảm thấy thời gian trôi đi nhanh quá! 10 năm cứ như một giấc chiêm bao...

Đêm nay chia tay một người bạn nữa sẽ ra đi đến nửa vòng trái đất phía bên kia. Mong cho bạn ra đi tìm được điều mình cần tìm.

Mọi thứ sẽ cứ mãi xoay vần không định trước, cả cơn mưa này, cả cuộc chia tay hay cảm xúc ta có hôm nay cũng là sự sắp đặt tình cờ của số phận mà thôi. Ta có thể nào ung dung chờ đón số phận của mình được hay không?

Saturday, March 1, 2008

Lạc đường

“Năm sáu mươi tuổi tôi khởi sự viết tự truyện này. Sáu mươi là tuổi ‘nhĩ thuận’ nhưng lỗ tai tôi nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. Nói dối trên nền nhạc Richard Clayderman. Quanh năm suốt tháng cứ Clayderman. Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền. Học không được, bỏ lên núi với Dã Nhân và chú mọi nhỏ.”

Đó là những lời ở chương cuối, mang tên Một đời không bến bờ, trong cuốn tự truyện mang tên Lạc đường của một người từng tích cực góp phần trong những chặng đường quan trọng của dân tộc Việt Nam gần nửa thế kỉ qua: phong trào sinh viên miền Nam chống Mỹ, Việt Nam sau chiến tranh, Việt Nam đổi mới và sau đổi mới, ở vị trí của một nhà báo và nhà văn làm việc lâu năm tại hai cơ quan truyền thông hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh – báo Tuổi Trẻ và Nxb Trẻ. talawas chủ nhật kì này hân hạnh giới thiệu tác phẩm vừa hoàn thành này của nhà văn Đào Hiếu.
(Theo Talawas chủ nhật)


Một cuốn rất đáng đọc! Đọc ở đây