Saturday, December 22, 2007

Nghĩ...

Có khi tôi đứng giữa những luồng thông tin đa chiều và cảm thấy mình bối rối, đâu là sự thật? Có những thứ không thể nào đi đến tận cùng gốc rễ để biết được đúng hay sai và vì thế cảm thấy mình ở trong một cảm giác hoang mang, trong lộn xộn những câu hỏi về bản thân và cuộc đời...

Phạm Xuân Ẩn đã từng nói một câu đại ý thế này: các chế độ rồi sẽ đổi thay chỉ có tình bạn là còn mãi. Không hiểu sao khi nghe câu nói này tôi lại dường như tìm thấy cho mình một chỗ dựa nào đó. Cuộc đời rồi sẽ kết thúc, vậy điều gì với tôi là quan trọng? Chỉ có tình người thôi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tự nhủ mình sẽ cố gắng sống và cư xử tử tế với những người mình gặp trong cuộc đời này. Đó chỉ là một suy nghĩ an phận của một kẻ tầm thường thế thôi, chỉ là sự bằng lòng với một cuộc đời nhỏ hẹp, mà nhỏ hẹp hay không thì cũng đến ngày về...

Thế giới muôn màu sắc, dù ở thời đại nào cũng vậy. Thời đại nào cũng có kẻ tư lợi cho bản thân, thời đại nào cũng có người hy sinh vì mọi người, thời nào cũng có tham quan, thời nào cũng có người chí công vô tư. Chỉ riêng cái sự hy sinh cũng đã muôn hình vạn trạng lắm thay: Có người đấu tranh trên chiến trường, lại có những người âm thầm hy sinh cái tôi... Mọi sự so sánh sẽ là khập khiễng bởi lịch sử đã trao cho mỗi người một sứ mạng riêng tùy theo tính cách và tài năng của mỗi cá nhân.

Hoàng Sa, Trường Sa hôm nay, có những người đứng ra biểu tình hòa bình, có những người thành lập quỹ nghiên cứu Biển Đông, còn chính phủ cũng có con đường đi của riêng họ mà tôi không có thông tin để mà nhận xét hay trao gửi niềm tin. Trong cuộc biểu tình ở SG hôm 16-12, cảm thấy buồn... Buồn vì cái sự đời, những người cùng chung màu da, chung cội nguồn, và chung cả lý tưởng chiến đấu (là vì tổ quốc) lại ở hai phía đối chọi nhau; buồn vì trong cảm nhận của tôi, lực lượng những người trẻ hôm ấy, có không ít người dường như chưa đủ độ bền, chưa đủ ý thức để có thế thực sự đối đầu với một cuộc chiến thực sự (Nói người không thể không ngẫm lại mình! Chỉ biết tự mình cố gắng hoàn thiện vậy!)

Nếu có ai đó muốn rời khỏi Đoàn, Đảng vì mất niềm tin, người ấy chắc hẳn là người sống có lý tưởng nhưng không phải là người dành cho mảnh đất chính trị. Sẽ có không những người lý tưởng nuôi chí lớn từ hôm nay, gia nhập chính trường, kiên nhẫn đấu tranh với những thế lực sâu dân hại nước, một ngày kia trở thành rường cột nước nhà, phải quyết định những chuyện cho toàn dân tộc? Và con đường ấy không chỉ cần một người, cuộc chiến ấy không chỉ cần một người. Và con đường ấy có những người sẽ không đi tới nơi bởi những cám dỗ và cạm bẫy giăng đầy...

Thì thôi hãy cứ sống như chính mình, tự suy xét và lựa chọn cho mình cách sống phù hợp với bản thân vậy.

Thursday, December 20, 2007

"1979 vĂ 2007"

Thanh Thảo

1979 và 2007

thị xã Lạng Sơn


chợ họp tới khuya những ngọn đèn nho nhỏ
những mẹt hàng nho nhỏ
thuốc lá sợi vàng
mộc nhĩ măng khô
mùi vịt quay thơm lừng rượu đong bằng bát

ùa xuống toa tàu những câu hát
những gồng gánh áo xanh áo nâu
những thổ cẩm phô sắc màu sặc sỡ
gương mặt chàng trai say câu lượn đỏ bừng

tôi ngồi uống bát rượu men lá rừng
thấm chầm chậm một chiều đông xứ Lạng
chợt mỉm cười
câu ca dao xưa
nhớ người bạn có nhà trong thị xã
những trái mận Thất Khê thật giòn

những trái mận lăn tròn
lăn bình yên trong ký ức
lăn chóng mặt trên đường phố đổ nát

nơi tôi qua một lần
ngủ một đêm nhà trọ
những góc phố vôi phai loang lổ
bỗng một ngày giặc thù xoá tan khi tôi ở xa

những cụ già bị giết bên cầu
tôi chưa gặp
những bà mẹ tay xách nách mang chạy trong tầm pháo giặc
tôi chưa quen
ngôi nhà còn trơ mảng tường cháy đen
tôi chưa ở

chúng hủy diệt cả những gì tôi chưa kịp nhớ
những góc yên lành hờ hững của đời ta

bàn tay cô mậu dịch viên
cốc cà phê bốc khói
câu nói bâng quơ người khách nào ghé vội
ngọn gió se se bắp cải cuộn mình
và ánh lửa đâu đây…

quân thù buộc ta yêu bằng một tình yêu khác
mỗi hơi thở mỗi căn nhà đã mất

1979
(Rút từ tập Khối vuông ru-bích, NXB Tác phẩm Mới, Hà Nội 1985)


Tài Hồ Sìn

em về nuôi cái cùng con
để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
(ca dao)

có một thành phố bên sông Bằng
ngày tôi lên nhà ngói son như trẻ sơ sinh
ai biết
năm 1979
người anh em đã san phẳng hộ chúng ta một thị xã cũ nhỏ bé
xoá đi để làm mới lại
kiểu bây giờ nhà đầu tư san ủi mặt bằng
vôi vữa những mảng tường
trộn cùng hài cốt

người bạn tôi bên mố cầu Tài Hồ Sìn
bắn tới băng đạn cuối
đánh sập cầu
ngăn những ông bạn tràn về Hà Nội

cứu con mình sơ sinh

cháu lớn lên
cả một phố hàng Tàu bán đồ chơi trẻ con ngay giữa lòng phố cổ
dễ thương mà kinh kinh

tràn về Tam Sa thất bổn
cháu tôi kiệt sức vung cờ đỏ sao vàng
như cha cháu 28 năm trước bắn đến băng đạn cuối cùng
bên mố cầu Tài Hồ Sìn

cha đâu biết
có thể ngày mai con bị đuổi việc

Tài Hồ Sìn Tài Hồ Sìn

12/2007

(Đọc từ www.talawas.org)

Tuesday, December 4, 2007

Một đoạn ưa thích cũ

"...Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống..."

Trích "Ca khúc là nỗi lòng con người" - Trịnh Công Sơn

Mình đang tìm cách diễn đạt mình à?

Thursday, November 29, 2007

Email đầu tiên...


Hôm qua đọc 10 năm internet VN trên Tuổi trẻ bỗng nhớ cảm giác về bức email đầu tiên của mình. 1998 - Lần đầu tiên mình biết đến internet. Hồi đó internet còn tính bằng phút, ở trung tâm máy tính trong trường bách khoa, dưới hội trường A5 - (không biết bây giờ còn cho sinh viên thuê máy không nhỉ), hình như 200 đồng/phút. Chỉ nhớ rất lơ mơ về những hình ảnh về internet hồi ấy, hình như hồi ấy trong trung tâm toàn xài Win NT thì phải, hình nền đen thui... Hồi ấy cũng máu me với công nghệ thế nhỉ, theo thằng bạn bên khoa Điện vào phòng máy để tiếp cận với công nghệ mới. Lúc đó đã làm gì tưởng tượng đến biển thông tin mênh mang như giờ, chỉ biết rằng email đi nhanh lắm, không cần phải chờ mươi mười lăm ngày thì đứa bạn bên kia địa cầu mới nhận được thư mình nữa... Nghe mới hấp dẫn làm sao! Account email đầu tiên là hotmail, trình duyệt web đầu tiên là netscape... Và bức thư đầu tiên là cảm giác xúc động... Mình đã viết gì nhỉ, một điều gì đó tương tự như là : Tao không thể tưởng tượng được chỉ mấy phút nữa đây thôi, mày ở cách xa tao ngàn dặm, có thể đọc được ngay nhưng dòng chữ này trong tích tắc... Ôi cái cảm giác dường như mọi khoảng cách được nối gần, cuộc sống có bao điều kỳ diệu, con người đã làm được bao điều thần kỳ...gai ốc cứ nổi rần rần khi typing những dòng chữ ấy...

Đã bao năm kể từ lần đầu tiên ấy, bây giờ mọi thứ đã trở nên thật bình thường, internet mặc nhiên là một phần tất yếu của cuộc sống, mình lại bỗng nhớ vô cùng những cảm xúc của ngày xưa...

Monday, November 26, 2007

Sunday, November 4, 2007

"Và khi tro bụi"


Tôi tìm đọc "Và khi tro bụi" của Đoàn Minh Phượng khi tình cờ ghé qua blog của tác giả "Cánh đồng bất tận", Nguyễn Ngọc Tư nói rằng : "Quyển sách tuyệt vời của chị Đoàn Minh Phượng đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2007. Người ta đã trao giải cho cuốn sách mà mình cực kỳ yêu thích, mình sướng như chính… mình được trao giải vậy."

Tôi không biết các tác phẩm khác ra sao, nhưng quả thật "Và khi tro bụi" là một câu chuyện cuốn hút người ta ngay từ những dòng đầu tiên, từ lời đề tựa - một câu thơ của Henry Vaugham:
" When this dust falls to the urn
In that state, I came, return

Và khi tro bụi rơi về
Trong thinh lặng đó, cận kề quê hương"

Đoạn giới thiệu tôi cảm thấy khái quát nhất - của Trương Hồng Quang trên Talawas chủ nhật : "Và khi tro bụi vừa mang đầy chất thơ, chất ma lỵ, dường như gần gũi với phong cách của một Theodor Storm, cây bút văn xuôi hàng đầu của Đức vào cuối thế kỷ 19, hơn là với truyền thống của văn học Việt Nam, vừa mang tầm triết luận Đông – Tây như ở Siddhartha của Hermann Hesse, mặc dù thực chất đây là một cuốn Phản-Hesse, đồng thời lại là một cuốn truyện trinh thám với một cốt truyện và bố cục tinh vi."

Lời cảm nhận mà tôi thích nhất - của bạn GaRfiELd trên blog của chị Đoàn Minh Phượng : "...Người phụ nữ chạy trốn quá khứ, muốn lãng quên quá khứ...Quá khứ của cô chỉ là 3 dòng văn ngắn ngủi, là những tờ giấy rời rạc, không gì có thể gắn kết chúng lại với nhau kể từ ngày mùa Đông tháng 11 ... Để rồi cô phải vay mượn câu chuyện của một người khác, đi tìm chính mình và để làm những gì mà cô đã chạy trốn.

Khi cận kề cái chết, cận kề cát bụi...cô đã tìm lại được ký ức của mình, tìm lại hình ảnh quá khứ mà cô đã chạy trốn suốt cuộc đời. "In that state I came, return" . Với mình, đó không phải là quê hương của cô, mà là chính bản thân và sự thực cô đã chối bỏ."

Có rất nhiều cái nhìn kỳ lạ trong tác phẩm này, cái nhìn của một con người cô đơn nhưng mạnh mẽ và đầy tính thiện - Cái nhìn về nỗi cô đơn, về sự thanh bình... : "Nếu tôi vẽ một hình người, chính tôi, cái đầu tiên tôi sẽ là một đường viền... Con người không là gì nếu không ở bên trong những biên giới khép chặt. Trong mấy phút mông lung giữa đám sương mù, tôi thấy đường viền của mình đang mất đi, tôi đang tan vào mọi người vào sương, vào giòng sông, vào ánh sáng mờ đục của những ngọn đèn đường mới thắp. Biết đâu sự thanh bình muôn thủa chỉ giản dị vậy thôi. Biết đâu cái chết không phải màu đen của tối tăm, hay màu trắng của chối bỏ, mà là một đám sương mù êm ái làm nhạt nhòa những bức tường đá lạnh của tuổi thơ..."

Và tác phẩm cuốn hút người ta cho đến tận dòng cuối cùng, như bước ra khỏi giấc chiêm bao đầy sương mù còn cảm thấy cái ẩm ướt và lạnh lẽo trong từng cảm giác. Kết thúc là một kết thúc mở, không biết cô gái có được cứu sống hay không nhưng chắc chắn một điều cô đã tự mình giải thoát cho mình khỏi một nỗi ám ảnh không nguôi về bản thân : "Tôi phải đi tìm tôi, ghi chép mình ra trên giấy. Tôi phải thấy nhìn thấy mình, đọc được mình. Tôi phải có thật để cái chết của tôi có thật."

Kết luận cuối cùng: Một tác phẩm rất hay!

Thursday, September 20, 2007

Trên thùng xe tải



Tháng 7 năm 1941, tôi rời tỉnh Rưphnhitxa na Đnhetơrô đi Chiraxpôn trên một chiếc xe tải quân sự. Tôi ngồi trong ca-bin, bên cạnh người lái xe im lặng.

Bụi nâu xám cháy bỏng dưới ánh nắng cuộn lên từng vồng dưới bánh xe. Bụi nhám nháp phủ kín mọi vật chung quanh: những ngôi nhà gỗ, những cây hướng dương, những cây keo và cỏ khô.

Mặt trời bốc khói trên nền trời bạc phếch. Nước trong bi đông nóng rẫy và có mùi cao su. Tiếng súng lớn gầm thét bên kia sông Đnhetơrô.

Trên thùng xe, có mấy viên trung úy trẻ tuổi. Thỉnh thoảng họ lại đấm thình thình vào nắp ca-bin và kêu lên “Máy bay!”. Anh lái hãm xe lại, chúng tôi nhảy xuống chạy ra khỏi đường cái và nằm rạp xuống. Ngay lập tức, những chiếc máy bay đen chũi kiểu “Métxe” rú lên, khoái trá một cách độc ác, lao xuống đường.

Đôi khi máy bay địch nhìn thấy chúng tôi và xả liên thanh. Nhưng may không ai việc gì. Đạn cày lên từng cột bụi. Khi lũ “Métxe” đi rồi thì chỉ còn cảm thấy cái nóng trong toàn thân vì đất cháy bỏng, đầu ù, miệng khát.

Sau một trận bị máy bay địch bắn, anh lái bất thình lình hỏi tôi:

- Đồng chí nghĩ gì khi nằm dưới làn đạn? Đồng chí có nghĩ về quá khư không?

- Có chứ, tôi trả lới.

- Tôi cũng nghĩ về quá khứ – anh lái nói sau một lát im lặng – Tôi nhớ những khu rừng Kôxtơrôma quê tôi. Nếu sau này còn sống, tôi sẽ trở về và xin đi làm công tác kiểm lâm. Tôi sẽ đưa vợ – cô ấy đẹp và hiền lắm – và con gái theo. Chúng tôi sẽ ở cùng nhau trong trạm gác rừng. Tôi nói không biết đồng chí có tin không chứ mỗi lần nghĩ đến chuyện đó là tim tôi lại đập loạn nhịp. Mà những người lái xe thì lại không được phép đánh trống ngực như thế.

- Tôi cũng vậy thôi, - t6i đáp – Tôi cũng nhớ những khu rừng quê tôi.

Anh lái xe hỏi:

- Những khu rừng ở quê đồng chí có đẹp không?

- Đẹp, đồng chí ạ!

Anh lái xe kéo cái mũ cát-két sụp xuống trán và nhấn ga. Chúng tôi không nói thêm gì nữa.

Thực vậy, tôi chưa bao giờ nhớ những miền quê yêu dấu của tôi da diết bằng trong thời gian chiến tranh. Tôi thường nhận thấy tôi nóng ruột chờ đợi cái đêm tôi sẽ được nằm trên một chiếc xe tải ở một nới nào đó, trong một thung lũng khô trên thảo nguyên, lấy áo ca-pốt trùm kín người mà trở về những miền thân yêu ấy, trong ý nghĩa, để được đi một cách chậm rãi và an nhàn, thở hít cái không khí đượm mùi tùng bách. Tôi tự nhủ “Hôm nay ta sẽ ra Hồ Đen, còn ngày mai, nếu còn sống ta sẽ ra bờ sông Pra, hoặc đến làng Tơrêbuchinô”. Và lòng tôi thắt lại mỗi lần cảm trước thấy những chuyến đi trong tưởng tượng như vậy.

Có lần tôi đã nằm đắp áo ca pốt và tưởng tượng một cách hết sức tỉ mỉ con đường ra Hồ Đen. Hình như trong cuộc đời không thể có hạnh phúc nào lớn hơn là được nhìn thấy và đi trên những mảnh đất thân yêu ấy, quên hết những lo âu, những khổ đau và nghe tiếng con tim đập thoải mái trong lồng ngực.

Trong những ước mơ trên thùng xe ấy bao giờ tôi cũng ra khỏi làng vào lúc sáng sớm rồi theo con đường cát đi ngang những ngôi nhà gỗ cũ kỹ. Trên thành cửa sổ các nhà, hoa bóng nước nở trong những hộp sắt tây. Ở những miền đó, người ta gọi hoa bóng nước là “Vanhia ướt át”. Chắc đó là do khi ánh mặt trời chiếu qua thân cây bóng nước mập mạp và trong suốt người ta nhìn thấy cả nhựa màu lục và trong thứ nhựa ấy đôi khi còn trông rõ cả những bọt không khí.

Đến bên giếng nước, nơi các cô gái mặc áo vải hoa đi chân đất, lắm lời đụng gầu chan chát suốt ngày, tôi sẽ phải rẽ vào một cái ngõ. Ở ngôi nhà gỗ cuối ngõ có một con gà trống đẹp mã nổi tiếng khắp vùng. Nó thường đứng co một chân lên giữa trời nắng chang chang, lông sáng rực như một đống than hồng.

Nhà cửa đến ngôi nhà gỗ có con gà trống là hết và bắt đầu một dải đường sắt hẹp trông như đồ chơi trẻ con kéo thành một vòng cung đều đặn, chạy về những khu rừng xa. Lạ một cái là ở hai bên vệ đường sắt có những bông hoa chẳng giống gì những bông hoa ở các chỗ chung quanh. Không nơi nào có nhiều bụi rau diếp quăn bằng ở bên những thanh ray bỏng rẫy dưới ánh nắng.

Bên kia con đường sắt hẹp là một rừng thông mới gây. Khu rừng làm thành một bức rào chắn ngang không qua không lại được. Nói là không qua không lại được là nhìn từ đằng xa kia. Chứ anh vẫn có thể luồn qua, nhưng tất nhiên những cây thông non sẽ chọc những lá hình kim vào anh và để lại trên tay anh những vết nhựa dính bết.

Một thứ cỏ cao và khô xác mọc giữa những cây thông non, trên cát. Lá cỏ ở giữa thì bạc phếch mà ngoài rìa lại có màu lục thẫm. Cỏ sắc, chạm vào là đứt tay. Ở ngay đấy có rất nhiều hoa cúc trường sinh màu vàg, có vẩy, sột sọat trong tay và những bông cẩm chướng nức hương với những cánh tả tơi lốm đốm hồng. Dưới những gốc thông có rất nhiều nấm mới mọc. Chân nấm bám đầy cát sạch màu xám.

Sau rừng thông, là một rừng tùng bách cao lớn. Một con đường cỏ mọc chạy ven rừng.

Sau khi phải hít thở cái không khí ngột gạt của cánh rừng non mà được nằm nghỉa ngay dưới cây thông đầu tiên cành lá lòa xòa thì thật là thú vị. Ta nằm ngửa ra, cảm thấy đất mát rượi dưới lần áo mỏng và nhìn lên trời. Rồi có thể, thậm chí ta thiếp đi vì những đám mây trắng với những viền chói lọi làm cho ta buồn ngủ.

Có một từ Nga rất hay : “ixtôma” (mệt thừ). Gần đây chúng ta quên hẳn nó và không hiểu sao chúng ta ngại dùng nó. Không có từ nào hay hơn có thể xác định được cái trạng thái yên tĩnh và hơi buồn ngủ, cái trạng thái xâm chiếm anh khi anh nằm trong rừng ấm vào buổi sáng và nhìn lên những chuỗi mây vo tận. Mây ra đời ở một nơi nào trong khoảng xa xăm mờ xanh và không ngừng trôi đi đâu không rõ.

Nằm ở cửa rừng tôi thường nhớ đến những vần thơ của Briuxốp:

Hãy làm người tự do, hãy làm người cô độc

Trong yên lặng trang nghiêm của những cánh đồng

Trên con đường của ta, đường tự do, đường rộng

Chẳng cần tương lai và quá khứ cũng khkông

Ta hái hoa chơi, mấy nhành anh túc

Uống ánh mặt trời như uống mối tình đầu

Ngã xuống và chết đi trong bóng tối đêm sâu

Rồi sống dậy không niềm vui cay đắng…

Trong những vần thơ ấy, mặc dầu tác giả có nói đến cái chết, nhưng có cả cái đầy đủ của cuộc sống làm cho ta chẳng muốn gì khác ngoài việc nằm như thế này hàng giờ mà nhìn lên trời, suy nghĩ.

Con đường cỏ mọc chạy qua một khu rừng thông già. Khu rừng mọc trên những đồi cát thấp nhỏ, nhịp nhàng như những đợt sóng lớn ngòai biển. Những đồi ấy là dấu vết của những trận băng từ miền cao tràn xuống. Hoa quả chuông nở rất nhiều trên đỉnh đồi, còn ở phía dưới, dương xỉ mọc dày đặc. Mặt trái lá dương xỉ phủ đầy bào tử trông giống như những hạt bụi màu đỏ nhạt.

Rừng thông trên những ngọn đồi đều sáng. Đứng trong đó có thể nhìn được rất xa. Rừng đầy ánh sáng.

Khu rừng kéo thành một dải hẹp (chỉ độ hai cây số, không hơn), còn sau rừng là cả một bình nguyên cát, nơi những cánh đồng lúa mì đang chín, lấp lánh và lay động theo chiều gió. Đằng sau bình nguyên là một rừng tùng bách hoang dại thẳng cánh chim bay.

Những đám mây vô cùng lộng lẫy trôi trên bình nguyên. Có lẽ ta cảm thấy như vậy là vì ta nhìn thấy cả bầu trời mênh mông.

Muốn đi qua bình nguyên ấy thì phải theo con đường nhỏ mọc giữa các cánh đồng lúa mì. Trên đường ngưu bàng mọc rậm rịt và cỏ hoa chuông xanh lên từng đám.

Tất cả những gì tôi đang mường tượng mới chỉ là ngưỡng cửa của rừng. Nếu anh bước vào trong, anh sẽ cảm thấy như mình bước vào một giáo đường to lớn, hùng vĩ, tràn đầy bóng mát. Thọat đầu, anh phải theo con đường tắt hẹp đi ngang qua một cái ao phủ đầy bèo tấm giống như một chiếc thảm cứng màu xanh lá mạ. Nếu anh đứng lại bên ao, anh sẽ nghe thấy lép bép: đó là những con cá chép tìm ăn trong rong nước.

Rồi đến một cánh rừng bạch dương nhỏ, ẩm ướt, rêu phủ lóng lánh như một tấm thảm ngọc bích. Ở đó bao giờ cũng có mùi lá rụng còn lại trên mặt đất từ mùa xuân năm trước.

Sau cánh rừng bạch dương nhỏ là một nơi mà mỗi khi nghĩ đến lòng tôi không khỏi se lại.

(Tôi nghĩ đến những cảnh trên khi nằm trong thùng một chiếc xe tải. Đêm đã khuya, từ phía ga Razđenaia vẳng lại những tiếng nổ ì ầm: ở đó đang bị ném bom. Khi những tiếng nổ vừa dứt, ta lại nghe rõ tiếng ve sầu kêu một cách rụt rè, những tiếng nổ làm chúng sợ hãi và tạm thời chúng kêu khe khẽ. Một vì sao rơi như một viên đạn lửa. Tôi thấy mình đang theo dõi vì sao một cách bị động và nghe ngóng: khi nào nó sẽ nổ? Nhưng không hiểu sao nó không nổ mà lại lặng lẽ tắt ngay gần sát mặt đất. Từ đây đến cánh rừng bạch dương quen thuộc, đến những khu rừng hùng vĩ, đến nơi mà tim ta lúc nào cũng thắt lại, sao mà xa lơ xa lắc! Ở đó bây giờ cũng đang đêm, nhưng không một tiếng động, chói lọi lửa những chòm sao và không có mùi khói xăng và mùi thuốc súng – có lẽ nên gọi là “khói nổ” thì đúng hơn – mà có hương nước từ sâu thẳm trong những cái ao của rừng già và mùi lá nhọn của giống đỗ tùng).

Nơi mà mỗi khi nghĩ đến tim tôi thắt lại là nơi nào? Đó là một nơi giản dị nhất, không có gì đáng chú ý nhất. Qua cánh rừng bạch dương, con đường dựng ngược dẫn lên một sườn đồi cát dựng vách thành. Khoảng đất thấp ẩm ướt ở lại đằng sau, nhưng những làn gió nhẹ thỉnh thỏang lại thổi đến đây, đến khu rừng nóng bức và khô khan này, không khí hăng mùi i-ốt của những khu đất thấp.

Tôi nghỉ chân lầ thứ hai trên đồi và ngôi xuống đám lá nhọn nóng bỏng. Bât kỳ vật gì đây anh chạm đến đều khô và ẩm: những quả thông già rỗng, vỏ rễ thông non màu vàng, trong suốt và giòn như giấy súc, những gốc cây bị đẵn cụt được sưởi ấm đến tận lõi, từng cành thông ráp và thơm, đến cả những lá dâu tây nữa – chúng cũng ẩm ướt.

Những gốc cây cụt đã lâu đời, chỉ cần lấy tay mà bóp cũng vỡ, chúng đổ lên lòng bàn tay một đống vụn âu nóng bỏng.

Oi bức, yên lặng. Một ngày thanh thản của mùa hè chín nẫu.

Những con chuồn chuồn cánh đỏ bé nhỏ ngủ trên những gốc cây cụ. Lũ ong đất đậu trên những bông hoa họ hoa tán rắn chắc và tím nhạt. Sức nặng của chúng làm cho những bông hoa rạp mình xuống tận đất.

Tôi kiểm tra lại đường đi trên chiếc bản đồ tự vẽ lấy: từ đấy đến Hồ Đen còn 8 cây số nữa. Mọi dấu hiệu đều được ghi lại trên bản đồ này: cây thông khô xác bên đường, cọc địa giới, những bụi vệ mao, đống kiến, lại đến vùng đất thấp, nơi bao giờ cũng có hoa luu li, và sau vùng đât thấp là cây thông có khắc ở gốc một chữ “H” – Hồ. Từ chỗ cây thông phải quay thẳng vào rừng và lần theo những vết khắc đẽo vào từ năm 1932 kia. Những vết khắc mỗi năm một kín dần và bong mất vết hựa. Cần phải sửa lại.

Khi đã tìm thấy vết khắc trên cây, thể nào ta cũng phải dừng lại, lấy tay vuốt nhẹ lên nó, lên cái màu hổ phách đã đọng lại trên mình nó. Hoặc ta sẽ cạy ra một giọt nhựa rắn chắc và ngắm nghía cái chỗ vỡ có những vệt xoáy tròn giống như trôn ốc của nó. Anh nắng đùa giỡn trong đó giống như những ngọn lửa nhỏ màu vàng.

Ở gần hồ hơn, giữa rừng, bắt đầu có những chỗ trũng sâu hoắm, im lìm, những cây trăn mọc dày đến nỗi cũng chả ai nghĩ đến việc vào sâu trong những chỗ trũng ấy làm gì. Chắc ở đó xưa kia là những hồ nhỏ.

Rồi lại phải đi ngước lên giữa những bụi đỗ tùng rậm rạp quả đen và khô. Và sau rốt là dấu hiệu cuối cùng: một đôi hài xảo khô xác treo lủng lẳng trên một cành thông. Sau đôi hài xảo là một vùng cỏ hẹp kéo dài, qua nó là đến một cái dốc dựng đứng.

Rừng đến đấy là hết. Ở phía dưới có những đầm lầy khô cạn trên đó đã mọc lên một rừng nhỏ: cây trăn, liễu hòan diệp và một đám bạch dương.

Đây là chỗ nghỉ cuối cùng. Đã quá trưa. Ngày kêu rào rào như tiếng một đàn ong vô hình. Mỗi khi có một làn gió, dù rất nhẹ, thì một luồng ánh sáng mờ mờ liền đánh sóng trên khu rừng con.

Cách đấy hai cây số, giữa những đầm lầy đã khô, là nơi Hồ Đen giấu mình – đó là xứ sở của những vũng nước tối, những khúc gỗ chìm lâu ngày và những bông hoa sáng lớn màu vàng.

Đi trên những đầm lầy ấy phải cẩn thận: ở sâu dưới lần rêu vẫn chòi lên những thân bạch dương gãy mà thời gian đã mài chúng thành những cọc nhọn.

Trong khu rừng thưa không khí ngột ngạt, khó thở, xông lên mùi ung ủng, nước than bùn đen kịt kêu oàm oạp dưới chân. Cây cối ngả nghiêng, run rẩy vì mỗi bước chân người. Đi trong rừng thì đừng có nghĩa đến những cái ở dưới chân mình. Dưới lớp than bùn và đất mủn dày đến một thước là một cái hồ ngầm. Người ta nói rằng ở dưới hồ ấy có những con cá măng đầm lầy đen như than.

Bờ hồ cao hơn một chút và vì thế khô hơn dưới đầm lầy, nhưng cả ở đấu nữa ta cũng không thể đứng lâu một chỗ: thể nào nước cũng ùa vào dấu chân.

Tốt nhất là nên ra hồ vào lúc trời đã sẩm tối, khi mọi vật chung quanh – ánh lấp loáng mờ mờ của nước và của những vì sao đầu tiên mới xuất hiện, ánh sáng bầu trời sắp tắt, những ngọn cây bất động – tất cả những cái đó hòa hợp thực là chặt chẽ với cái yên lặng canh chừng, tưởng như chính yên lặng đã sinh ra chúng.

Ngồi bên đống lửa, ta nghe tiếng những cành khô nổ lép bép và nghĩ rằng sao mà cuộc đời đẹp đến thế, nếu như con người không sợ nó mà mở rộng tâm hồn ra đón nó.

Trong hồi tưởng, tôi lang thang trong những cánh rừng và sau đó trên những phố bờ sông Nhêva hoặc trên những ngọn đồi xanh rờn cây gai của đất đai khắc khổ miền Pxkốp.

Tôi đau đớn, xót xa khi nghĩ đến những nơi ấy như thể tôi đã vĩnh viễn mất chúng, như thể trong đời tôi, tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại chúng. Chắc vì cảm giác đó mà chúng đã có một vẻ đẹp kỳ lạ trong trí tôi.

Tôi tự hỏi vì sao mình đã không nhận thấy những điều đó trước kia và ngay đó, tôi hiểu ra rằng, tất nhiên trước kia tôi đã nhìn thấy tất cả, nhưng chỉ trong xa cách, tất cả những nét của phong cảnh quê hương mới xuất hiện trước cái nhìn nội tâm của tôi với tòan bộ vẻ đẹp mê hồn của chúng. Hẳn là phải đi vào thiên nhiên như mỗi âm thanh, cả đến những âm thanh nhỏ nhất, đi vào trong tiếng âm vang chung của nhạc.

Thiên nhiên chỉ tác động tới ta với toàn bộ sức mạnh của nó khi nào ta mang bản chất người của ta vào việc cảm thụ thiên nhiên, khi nào trạng thái tâm hồn ta, tình yêu của ta, niềm vui hay nỗi buồn của ta bước vào trong cái hòa hợp hoàn toàn chặt chẽ với thiên nhiên và lúc ấy thì không còn có thể nào tách rời cái tươi mát ban mai với ánh mắt người yêu, tiếng ồn đều đều của rừng với những ý nghĩ về cuộc đời mà ta đã trải.

Phong cảnh chẳng phải là gia vị cho văn xuôi và cũng chẳng phải là đồ trang sức. Cần phải ngụp đầu vào thiên nhiên như anh xục đầu vào trong đống lá ướt nước mưa và cảm thấy cái mát mẻ sang trọng của nó, mùi của nó, hơi thở của nó.

Nói một cách đơn giản hơn, ta phải yêu thiên nhiên và tình yêu ấy, cũng như bất kỳ tình yêu nào khác sẽ tìm được những con đường đúng đắn để tự thể hiện mình với một sức mạnh vũ bão nhất.

(Bông hồng vàng -K. Pautovsky- Bản dịch của Kim Ân)

Wednesday, September 12, 2007

Chuyện bình thường số 7

Nhạc sĩ: Phú Quang
Ca sĩ trình bày : Mỹ Linh

Friday, September 7, 2007

Bụi Đường Ca - Tuấn Khanh

Album mới nhất của nhạc sĩ Tuấn Khanh phát hành qua Blog của chính tác giả: http://blog.360.yahoo.com/blog-r_IsyK0_c6fdoqKGrnuIvwD95pmi8cw-?cq=1

Powered by eSnips.com

Wednesday, September 5, 2007

Mùa tựu trường

"...Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường. Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”

(Tôi Đi Học-Thanh Tịnh)

Lại một mùa tựu trường tưng bừng rộn rã và ta ngắm nhìn những tuổi thơ đang dần qua, ngắm lại mình ngày một già thêm mãi! Mỉm cười khi thấy mình đang rúng động bởi thời gian...

Tuesday, September 4, 2007

Sarah Chang


Sarah Chang (sinh ngày 10/12/1980) là nữ nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ gốc Hàn. Cô sinh ra tại Philadelphia, bang Pensylvania, mang trong mình dòng máu Hàn quốc. Min- Soo Chang, cha cô cũng là nhạc công chơi vĩ cầm và Myong Jun Chang, mẹ cô là nhà soạn nhạc. Năm lên 3 tuổi, Sarah Chang xin ba mẹ cho cô được học chơi vĩ cầm và năm lên 6 cô tham dự buổi trình diễn thử vào trường Juiilliard với bản Concerto dành cho violin của Bruch. Sarah Chang được nhận vào học trong studio của Dorothy Delay, người thầy dạy vĩ cầm của những nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu trên thế giới như: Itzhak Perlman, Midori Goto, Gil Shaham, Chlomo Mintz và nhiều người khác, bao gồm cả cha cô, Min Soo Chang. Cô cũng được HyoKang, một cựu sinh viên và là trợ lý của DeLay dạy trực tiếp.

Chang được xem là thần đồng âm nhạc rất sớm khi cô mới chỉ vừa 8 tuổi, năm đó cô được tham gia vào buổi trình diễn cùng với những tên tuổi như Zubin Mehta và Riccardo Muti, Mehta đang chơi cho Dàn nhạc Newyork Philharmonic và Muti chơi cho Dàn nhạc Philadelphia. Ngay lập tức, cả hai dàn nhạc này đều đưa ra những lời mời hứa hẹn đến Sahar Chang. Vào năm lên 9. Sahrah Chang trở thành nghệ sĩ trẻ nhất được thu âm. Người thầy dạy của cô đã trả lời phỏng vấn rằng người ta sẽ không thể gặp “bất cứ điều gì kỳ lạ như Sarah Chang”

Yehudi Menuhin đã gọi Sarah Chang là “nghệ sĩ chơi dương cầm tuyệt vời nhất, hoàn hảo nhất, lý tưởng nhất mà tôi từng gặp”. Những cái tên như Berlin Philharmonic, Sir Colin Davis, André Previn và Julian Lloyd Webber chỉ là một vài trong số rất nhiều tên tuổi nhạc cổ điển nổi tiếng mà Sarah Chang đã từng chơi hay thu âm cùng.

Ngày 02/10/2007, bản thu âm mới Bốn mùa - Vivaldi của Sarah Chang cùng với dàn nhạc Orpheus Chamber được xuất bản tại nước Mỹ thông qua EMI Classics.

Sarah Chang sử dụng cây đàn Giuseppe Guarneri del Gesu 1717.

(Dịch từ Wikipedia : http://en.wikipedia.org/wiki/Sarah_Chang)

Một số bản nhạc do Sarah Chang trình bày:

Sarah Chang - Chopin Nocturne Violin

Sarah Chang (Violin) & Berliner Phil.-Placido Domingo

Vitali Chaconne - Sarah Chang

Sarah Chang Vivaldi Four Seasons Summer Presto

Paganini - Cantabile, Sarah Chang






ALWAYS SOMEWHERE


Starry night over the Rhone - Vincent Van Gogh

ALWAYS SOMEWHERE
Music:Rudolf Schenker
Lyrics:Klaus Meine
Listen to the song 





Arrive at seven the place feels good
No time to call you today
Encores till eleven then Chinese fool
Back to the hotel again 
 
I call your number the line ain't free
I like to tell you come to me
A night without you seems like a lost dream
Love I can't tell you how I feel 
 
Always somewhere
Miss you where I've been
I'll be back to love you again 
 
Always somewhere
Miss you where I've been
I'll be back to love you again
 
Another morning another place
The only day off is far away
But every cith has seen me in the end
And brings me to you again 
 
Always somewhere
Miss you where I've been
I'll be back to love you again 

Monday, August 27, 2007

Ngày hôm qua

8 năm, tôi trở lại con đường đi Buôn mê, bỗng nhớ lại tất cả những suy tư của ngày hôm qua!

Con đường chỉ còn một chút thôi quen thuộc. Những cánh rừng thông ngày xưa đã khiến tôi suy nghĩ về tình yêu. Ở mảnh đất nào những cây thông sẽ mọc? cũng như tình yêu của tôi nó liệu sẽ tìm được mảnh đất tâm hồn nào để mà nảy nở và sinh sôi? Có rất ít những cây thông sống ở miền đất không thuộc về nó, như tình yêu của tôi đôi lần tan vỡ vì lý do nào? tự an ủi rằng đó không phải là một người phù hợp! 8 năm, ngày hôm nay trở lại con đường của ngày xưa không phải trong mùa đông, không có cái sắc vàng nao lòng của Dã quỳ, không phải là tôi, dù buồn bã mà hồn nhiên, của hôm qua, nhưng tình yêu vẫn chưa tìm được mảnh đất nào nương náu! 8 năm, có phải là tôi dường như vẫn đứng yên, khi mọi thứ trôi qua và trôi qua...

Nhớ tôi của hôm qua quá thể, nhớ người bạn đồng hành năm ấy, chúng tôi hồn nhiên hái hoa dã quỳ trên đường vào Eakmat, và những em bé cao nguyên "sao chị hái hoa quỳ chị?". Chạy xe như bay trên triền dốc ngắm những đồi xanh đang chạy ngược về phía sau. Những con đường chen đầy cây hoa sữa "vị thành niên" hậu quả của một thời phong trào yêu những bài hát về Hà nội. Cánh rừng khộp lặng im u buồn. Hồ Ea- nhái và dòng kinh dẫn nước mọc đầy hoa dại hai bờ trong loang lổ của buổi chiều. Những bông dã quỳ tội nghiệp héo úa được cấp cứu trong xô nước và sáng mai mừng rỡ khi chúng tươi xinh trở lại, dù chỉ để sẽ lại phai tàn...

Nhớ buổi đi dạo lang thang trên những đường phố Buôn mê, thăm một ngôi chùa cổ, gặp một đám cưới tổ chức trong chùa, ngồi dưới gốc bồ đề lộng gió nghe tiếng lá lao xao. Rồi lê la trong một lòng chợ nhỏ trên phố, mua đu đủ về ăn, còn đi ngang một ngôi chùa Cao đài nữa. Nhỏ bạn người Tây Ninh mà không theo đạo Cao đài. Nhỏ bạn không thân mà lại thấy thật gần gũi trong mùa làm luận văn năm ấy. Bây giờ nhỏ đã có chồng, định cư ở nước Mỹ xa xôi...

Sáng hôm ấy chia tay Buôn mê, chúng tôi ngồi trên chuyến xe đò đầy bụi bặm, đi qua những bụi dã quỳ rung rung trong gió, lòng tôi miên man nghĩ về nhưng xúc cảm tình yêu buồn bã trong lòng. Tôi ngắm nghía và lắng nghe mọi thứ, tôi cảm thấy buồn nhưng trong lòng được vỗ về bởi những chuyến đi, bởi những điều bình dị và xa lạ quanh mình. Từ bấy đến nay tôi đã bao lần cảm thấy lòng mình muốn ra đi khi có những nỗi buồn ập tới. Đi xa cũng là một cách hữu hiệu để giải tỏa những nỗi niềm, có ai đã nói với tôi như vậy, trong giây phút ấy tôi thấy mình xúc động bởi cảm xúc được gọi tên...

Tôi nhớ chuyến đi năm ấy, khi xe chúng tôi ào ạt lướt qua những rặng dã quỳ vàng rực rỡ, trong buổi trưa đầy nắng và man mác những cơn gió cao nguyên. Và rồi những rừng thông, những hàng rào dã quỳ cứ lần lần thưa thớt, chúng tôi lại đi ngang những căn nhà đơn sơ chứa đựng những nét gần gũi thân yêu với riêng một ai đó, những căn nhà với những bụi hoa vạn thọ, những bụi sao nhái lao xao trước nhà, cũng vàng rực rỡ, những chú chó, chú mèo nằm phơi nắng trên sân, hay đứng ngó lơ ngơ...

8 năm, tôi lại bắt gặp lại những hình ảnh của hôm qua hiện ra trong chuyến xe về Sài gòn hôm nay, tôi lại cảm thấy mình hạnh phúc, dù bao giờ cũng phảng phất những niềm vui không trọn vẹn, thì tôi vẫn cứ thấy mình hạnh phúc...

Sunday, August 19, 2007

7/7 âm lịch....
Ngoài trời đang mưa, tiếng mưa đứt quãng trên hiên nhà, rì rầm gõ nhịp trên những tán lá bàng, âm thanh quen thuộc quá. Mở một bản cello không rõ tên, nghe tiếng đàn lẳng lặng cứa vào đêm. Buồn hay là hạnh phúc. Dường như không khác nhau là mấy. Cảm xúc chỉ là một quá trình, hay mọi thứ trên đời này cũng chỉ là những quá trình, có mở đầu và kết thúc. Thế thì sao, chẳng sao, chẳng kết luận điều gì, bởi vì có những thứ chẳng có ý nghĩa gì sâu sắc nhưng không có nó thì cả sự tồn tại này cũng không còn ý nghĩa...


Saturday, August 11, 2007

"Giá mà được chết đi một lúc"

"...Giá mà được chết đi một lúc
nằm im cho cuộc sống nhỏ tuôn trào..."

Nguyễn Thế Hoàng Linh

Hôm qua, nhức đầu kinh khủng, lăn qua lăn lại không ngủ được, bỗng dưng lại nhớ đến câu này, lúc đó tự nhiên bỗng nghĩ nếu chết đi có lẽ là giải thoát. Cái chết, nghe đáng sợ lại cũng có thể là lối thoát tuyệt vời cho những bế tắc và đau đớn của con người. Giá mà được chết đi một lúc, chỉ bởi vì mình còn quá yêu cái cuộc sống này, cái cuộc sống rắc rối và có những phút giây khiến mình mệt mỏi, chỉ ước gì một lúc thôi được thoát đi khỏi tất cả, cả những ước mong không bao giờ đạt được rồi cũng sẽ thôi không làm mình nghĩ suy trăn trở nữa! Thế nhưng, có không cái can đảm từ bỏ cuộc sống? Không, chỉ "giá mà..." và "một lúc" thôi. Nghĩ đến cái chết để quay về cuộc sống, quay về "con-đường-đi- phải-đến"! Rồi sẽ đến lúc nằm xuống thanh thản và nhẹ nhàng, nhưng giờ đây ở giữa cuộc phiêu lưu dang dở, giữa những bạn đồng hành ta mến yêu, cái bế tắc và đau đớn này rồi cũng chỉ là khoảnh khắc lạc đường, là đoạn vượt thác nào đó mà thôi Bỗng nhớ đến nỗi cô đơn, ta lại nhớ một người còn cô đơn hơn ta gấp bội, làm sao? bằng cách nào, anh vượt qua, hay bởi chẳng có sự lựa chọn nào khác? Khi không lựa chọn, phải chăng cũng là lựa chọn?..............

Sunday, July 29, 2007

Sống là bày tỏ...

"...Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn tự diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống..."

Trịnh Công Sơn- Ca khúc là nỗi lòng con người.

Tự hỏi mình đã diễn đạt mình ra sao? Sống là bày tỏ ...



Thursday, July 12, 2007

Nói một mình

Nhiều khi cảm thấy mình như một kẻ lang thang, hết lang thang trong đời thực lại đi rong trên một miền ảo ảnh như chốn này. Ghé nơi này nơi kia, đọc những dòng chữ có khi vô thưởng vô phạt, có khi là những chất chứa nỗi lòng của một con người xa lạ nào đó..., có khi là những người ta biết, nhưng họ mãi mãi có thể chẳng biết có ta tồn tại ở trên đời. Ta là một kẻ lang thang, ta là một độc giả vô hình, không bao giờ lên tiếng về những điều mình nghĩ và cảm nhận sao? Nói hay không nói, có phải là cũng là một cách tồn tại? Dù sao thì cũng có hàng ngàn vạn độc giả giống như ta, đôi khi cảm thấy người này hay người khác đang viết nên chính nỗi lòng mình, nhưng chẳng bao giờ thốt lên một điều nào cả. Thốt nhiên tôi bỗng nghĩ, không biết những độc giả trên đời này đọc sách vì điều gì, hay đúng hơn là đọc sách văn học vì điều gì? Người ta tìm kiếm điều gì nơi những câu chuyện có thể chỉ là hư cấu? Và tôi, tôi tìm điều gì giữa những chuyến lang thang ? Vì nỗi cô đơn muôn thuở của con người, vì muốn được biết chúng ta đã tồn tại, đã sống, đã yêu thế nào, vì muốn tìm thấy một nguồn động viên an ủi đâu đó giữa những người xa lạ ở ngoài kia để tiếp tục bước đi với một niềm tin về những điều mình đã chọn... và còn nhiều lắm những lý do ??
Khi còn là một đứa trẻ, mình đâu có nghĩ nhiều điều vớ vẩn như thế này nhỉ? Chỉ cảm thấy sách là một thế giới với bao điều ký thú: những câu truyện cổ từ ngày xửa ngày xưa, một thế giới tưởng tưởng không biên giới...Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ Grim, truyện cổ Andexen, truyện dân gian, truyện Mường Trời...! Lớn dần lên, mình bắt đầu thích những truyện về trẻ con, những cuộc phiêu lưu của những người bạn nhỏ với Mít đặc và Biết tuốt, Karick và Vallia, Đảo giấu vàng, hai vạn dặm dưới đáy biển, những đứa con của thuyền trưởng Grant... và mỗi khi tuổi lớn dần lên, những câu truyện cũng ngày một khác hơn, không còn là những cuộc phiêu lưu thời thơ ấu mà là những chuyến đi vào thế giới nội tâm của con người, dường như cũng để giải thích cho chính những suy tư, những băn khoăn về chính mình, về tình yêu, về cuộc sống, về cái chết và sự sống, về những trải nghiệm trong chuyến đi đời người đang dần đến ngày về của nó.
Trong những giai đoạn của đời ta, giai đoạn nào tâm hồn cũng cần một thứ nước trong sạch nào đó để tắm mình trong đó. Thì chính là sứ mạng của văn học, của thơ ca đấy thôi...

Thursday, July 5, 2007

"Bình Minh Mưa"

Bình minh mưa là tác phẩm đầu tiên của K. Pautovsky mà tôi đọc. Vào thời gian đó, tôi đang đọc cuốn "Mưa" của Somerset Maugham. Một lần nói chuyện tầm phào với một người bạn về "Mưa". Người bạn này mới giới thiệu "Bình minh mưa". Tôi vào nhà sách coi cọp, vì thời đó còn đi học, mua cả một cuốn sách của K.Pautovsky thì không đủ tiền, nên coi cọp trước vậy! Thú thật là lần đầu tiên đọc, tôi không thấm thía được điều mà tác giả muốn nói (cái này cũng mông lung à nha, ai khẳng định được tác giả muốn nói điều gì???), cảm thấy tất cả những câu chuyện đêm khuya ấy quả thực vô cùng khó hiểu, có lẽ bởi vì lúc đó tôi còn quá trẻ và hồn nhiên để có thể cảm hết được cái không gian và những cảm giác mà câu chuyện gợi ra. Lúc đó tôi chỉ tự hỏi, như vậy là sao, câu truyện sẽ kết thúc thế nào? cảm thấy cứ tức anh ách vì mọi chuyện lại kết thúc lửng lơ như vậy. Sau đó khoảng 2 năm, tôi mua cuốn sách và đọc lại lần thứ 2. Lần này thì khác, cuộc sống đã dạy cho mình vài điều quý giá, đủ để cảm được rằng, ở trên đời mọi thứ là như thế, có những điều chỉ đi lướt qua ta dù chúng vô cùng đẹp đẽ, và rằng nỗi tiếc nuối là như thế đó, tàn nhẫn để rồi trở thành đơn giản. Đó là một câu chuyện buồn nhẹ nhàng, và cảm thấy tất cả họ, những nhân vật trong truyện đều buồn nhưng đón nhận nỗi buồn ấy một cách thanh thản nhẹ nhàng biết mấy! Tình yêu, không phải tình yêu mà chính là tình yêu, là nỗi tiếc nuối của tình yêu : "Có lẽ nào giờ đây, trong phút này thôi, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng và sẽ trở thành một trong những kỷ niệm xót xa trong cả đời nàng và trong cả đời chàng?"..."Chàng ngờ rằng nàng chỉ nói độc một tiếng “Vô ích…” Có lẽ nàng còn nói điều gì nữa, nhưng con tàu dưới sông đã gầm lên, than thở vì buổi bình minh ẩm ướt, vì cuộc sống lang thang của nó trong những ngày mưa và trong những buổi sương mù."..."Con tàu mỗi lúc một đi xa, dồn vào đôi bờ cát những đợt sóng dài, làm những phù tiêu trên sóng lúc lắc và tiếng dội của những bụi miên liễu bên bờ đáp lại tiếng chân vịt vội vã của con tàu."... Cả câu chuyện toát lên những điều khó hiểu, nhưng mọi cảm giác thì thật vô cùng, những con người, những mùi hương, những âm thanh, những câu chuyện vu vơ, nhưng hình ảnh và cả những điều khó hiểu không nói nên lời, tất cả ta đều có thể đã gặp đâu đó ở trên đời: "...Cuối vườn là bờ sông dựng đứng trên mặt nước và bên kia là những chân trời trước rạng đông ướt sũng nước mưa, ánh phù tiêu mờ mờ phía dưới, sương mù, tất cả nỗi buồn những ngày mưa mùa hạ..." Đẹp, buồn, nhẹ nhàng và mang lại nhiều suy tưởng về tình yêu và cuộc sống. Thích lắm. Thích đọc K.Pautovsky từ đó...

Tuesday, July 3, 2007

Cơn giông!

Trưa nay, tránh cơn mưa nhỏ mà gặp cả cơn giông lớn! Gió mạnh, mưa xiên, ướt như chuột lột. Không hiểu sao cứ nhớ bài văn trong sách tập đọc hồi cấp một, đại khái tả cơn giông thế này: Trời đang trong trẻo thì bỗng mây đen từ đâu kéo tới ùn ùn, rồi gió, rồi mưa... Nhưng nhớ nhất là cái màu nắng, cái thứ giọt nắng màu vàng chanh bao trùm lên cảnh vật sau cơn giông. Cái màu nắng ấy, hôm nay ta không gặp, nhưng trong ký ức đâu đó vẫn còn hiển hiện rõ nét lắm. Cái màu nắng chỉ có sau những cơn giông, trong trẻo và dịu dàng lắm và có khi làm hừng lên trên nền trời một dải cầu vồng lấp lánh! Và ta nhớ một thời tuổi thơ xa xôi nào đó, vô tư vô cùng!

Friday, June 29, 2007

"Chè Hạnh phúc"?!?

Đêm qua nằm mơ, một giấc mơ kỳ lạ!

Quay trở về nhà cũ, tiếp đón vài người bạn mới trong căn nhà cũ!

Một khoảng trời xanh biếc của nước Ý (nơi chưa bao giờ đến) khiến mình bật khóc vì nhớ đến một người?? (Đó là cảm giác trong mơ!)

Cuối cùng, cùng bè bạn ghé vào một quán chè, trong tủ kính bày một số loại chè. Mình kêu loại "chè hạnh phúc", có vài người trong quán tự nhiên "dòm" mình?? (Không tưởng tượng nổi sao mình có thể nghĩ ra cái tên này trong mơ không biết??) Có ai đó đã ngồi chờ sẵn, người đó ăn một ly chè rồi, và đang có một ly chè hạnh nhân nữa, mình thấy những lát chè hạnh nhân trắng ngần và những viên đá trong veo. Mình chỉ kịp mơ đến đó thôi.

Còn chưa kịp nếm ly "chè hạnh phúc"! Tiếc quá!

Saturday, June 23, 2007

Tản mạn về sách


Tôi là một người thích đọc sách. Với tôi, mỗi cuốn sách giống như một mối nhân duyên kỳ ngộ. Sách thì hằng hà sa số, không thể nào đọc hết, sao ta lại chọn cuốn này hay cuốn khác cho mình, vậy mới cho rằng mỗi cuốn sách đến với ta như một mối nhân duyên. Có cuốn do bạn bè giới thiệu, có cuốn đọc giới thiệu trên báo, có cuốn tình cờ gặp được. Lại cũng có cuốn tự tìm đến với mình, điều này là thật đó, có lần, lúc còn đi học, không biết có ai lại để quên cuốn truyện "Rồi hai mươi năm sau..." của Alexandre Dumas trên giỏ xe mình. Biết trả lại cho ai, thôi thì cầm về đọc vậy. Mà chắc chắn chẳng phải ai có lòng tặng mình, bởi cả sân trương hồi đó có đến cả trăm chiếc xe đạp Trung quốc y chang nhau, mình còn tìm không ra xe mình, thử hỏi ai lại đi tặng sách kiểu đó chứ! Còn nữa, cuốn sách đó đã cũ lắm rồi, lại chỉ là một cuốn tập 2! Người chủ của nó không biết có còn nhớ tới nó và vì lẽ gì đã để nó trên xe mình, bây giờ "túm lại" cũng chỉ là một sự tình cờ của số phận mà thôi.

Có một cuốn sách nữa cũng nằm trong giá sách của tôi theo kiểu nhân duyên đó nữa. Cuốn "Thầy Lang" của Tadeusz Dolega Mostowicz. Chả là lần đó có hội sách giảm giá ở Lê Thánh Tôn, hàng năm hội sách này vẫn tổ chức vào khoảng tháng 6 - tháng 7, rảnh rang nên tôi cũng đi kiếm sách. Hội sách này bán các sách nằm quá lâu trên kệ, đã cũ, giảm giá tới năm, sáu chục phần trăm, có điều sách chất lung tung, bán theo kiểu bán "sôn" sách cũ, muốn tìm là phải bới cả đống lên. Đang ngó nghiêng lung tung thì thấy "Thầy Lang" nằm chễm chệ trước mặt, "Thầy Lang" thì quen lắm vì ký ức của bộ phim từ hồi nhỏ xíu mình coi, nên y như gặp người quen cũ, "chụp" liền. Đang hí hửng thì thấy cô bé đứng kế bên quay sang "dòm" ghê lắm. Vốn là người "nhạy cảm" và "lịch sự" (tự khen mình chút, hihi) nên mình linh cảm liền, quay sang hỏi cô bé : "em lựa cuốn này rồi hả", "vâng", cô bé trả lời, "nhưng nhiều quá cầm không hết nên em để tạm ở đó". Mình đành lịch sự bảo: "Thôi để chị kiếm cuốn khác". Không hiểu có phải vì thấy mình quá "dễ thương" và "lịch sự" hay không mà cô bé lại bảo :"Chị lấy đi, em đọc cuốn này rồi, hay lắm!". Bạn có biết cảm giác đó không, thỉnh thoảng ta lại gặp những điều như trong truyện ấy, thật thú vị làm sao, và cho đến bây giờ, đó vẫn là một kỷ niệm khiến tôi mỉm cười khi nghĩ đến. Tôi chưa bao giờ gặp lại người bạn nhỏ ấy, nhưng cái cảm giác được sẻ chia giữa hai ngươi xa lạ khiến ta cảm thấy mình đang sống giữa cõi Người. Đời mới tươi đẹp làm sao!

(Nói về sách thì dài vô kể, rồi sẽ viết tiếp...)

Friday, June 22, 2007

Hạ chí...

Bây giờ đã là giữa tháng sáu! Những hoa sao đen li ti của tháng ba đã hóa thành những cánh sao xoay chấp chới, chỉ chờ một ngọn gió nào đó để bắt đầu một cuộc phiêu du! Có khi đi qua một ngã tư nào đó, gặp cả một trời sao xoay, như những cánh chuồn chấp chới, sao bỗng nao lòng đến thế.

Sáng nay, Sài gòn đổ mưa tầm tã! Bây giờ bên hiên nhà, mấy con chàng hiu buồn tình gọi bạn inh ỏi! Phía ngoài kinh, nghe tiếng con chim cuốc nào kêu cô đơn quá! Năm nay thật lạ, bỗng dưng nghe tiếng cuốc kêu chứ mọi năm đâu có!

Âm thanh và những mùi hương cũ... mỗi năm trở lại một đôi lần!

Sunday, June 17, 2007

Hoa sao đen

Anh có nghe không?
Tháng 3,
Sài gòn,
hoa sao đen đang nở,
lặng im như những vì sao nhỏ,
ko nói bao giờ,
mà lặng lẽ tỏa hương,
suốt con đường,
em đi,
cứ vương mùi,
nỗi nhớ!
Mông lung
giữa lòng em câu hỏi
Anh có về không?
kịp tháng ba?

Hoa sao đen nhỏ bé và khiêm nhường, dường như chẳng được ai nhắc đến, nhưng với riêng tôi, Sài gòn có một mùa hoa mà dù đi đâu tôi cũng sẽ nhớ.
Bây giờ không bao giờ là tháng ba, như những thứ đã qua rồi sẽ qua mãi mãi.